Từ đầu năm đến nay, trong khi XK nhiều mặt hàng nông sản liên tục đối diện khó khăn, kim ngạch sụt giảm mạnh, thì XK gỗ và sản phẩm từ gỗ lại vẫn luôn giữ vững phong độ, đều đặn tăng trưởng trên 10%. Trên đà đó, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tự tin sẽ cán đích 11 tỷ USD.

Tăng trưởng hơn 16%

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính tới hết tháng 7, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Phạm Văn Điển-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện tại, điểm đến của 87% giá trị kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Điều này tiếp tục khẳng định uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về XK lâm sản.

Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh việc XK đến trên 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, DN và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết đúng theo tinh thần Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Liên quan tới câu chuyện tại sao XK gỗ và sản phẩm từ gỗ lại có thể “lội ngược dòng” trong khi XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Năng lực sản xuất của toàn ngành đã tăng lên rất nhanh. Trồng rừng trong nhiều năm qua góp phần cung cấp lượng gỗ cao hơn và lượng cơ sở chế biến, chế biến sâu hơn cũng tăng lên. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm tăng lên khá tốt. Sản phẩm đều tiếp cận, đáp ứng tiêu chí quản lý truy xuất nguồn gốc giúp uy tín của Việt Nam tăng lên.

“Riêng ngành gỗ khác ngành khác khi thị trường còn đang rộng mở, mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Nhà nước với tinh thần kiến tạo hành động, nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, về cơ bản đã tạo khích lệ, hồ hởi cho DN, đầu tư vào phát triển”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Tự tin đạt 11 tỷ USD

Năm 2019, toàn ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 11 tỷ USD. Với kết quả hiện đang đạt được, con số này hoàn toàn khả thi. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường còn tự tin cho rằng: Năm nay, bên cạnh thuỷ sản, lâm sản là ngành hàng quan trọng giúp “cứu cánh” cho tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay: Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa DN chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu quan điểm, thời gian tới, để nâng cao giá trị ngành gỗ, các địa phương cần tạo cơ chế để phát triển các cơ sở chế biến gỗ công nghệ cao. Hiện, Nghệ An, Bình Dương, Bình Phước đã thành lập các khu chế biến gỗ công nghệ cao. Vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT phải tiếp sức cho DN để thúc đẩy tăng trưởng.

Xung quanh vấn đề phát triển ngành lâm nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với việc hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam, vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc gỗ hợp pháp là điều tất yếu trong xu thế hội nhập của ngành lâm nghiệp. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý thời gian tới. Ngoài ra, vị Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đưa ra gợi ý: “Hiện nay, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 DN sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiềm năng ở các mảng khác như dược liệu, có thể thu về hàng tỷ USD nếu biết quản lý khai thác. Đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định hướng tới nhằm từng bước góp phần phát triển bền vững hơn”.

Nguồn: VietNamPlus