Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và rộng hơn là trật tự thương mại toàn cầu cần phải tuân thủ “luật chơi” của Mỹ đặt ra hoặc sẽ không còn giá trị. Đây là thông điệp mà Tổng thống Donald Trump đưa ra khi một lần nữa dọa rút Mỹ khỏi thiết chế thương mại đa phương này.

WTO phải “chọn”

Chỉ trong vòng 1 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần dọa rút Mỹ ra khỏi WTO - thiết chế giúp xác lập và điều hành hệ thống thương mại toàn cầu. 

Ngày 13/8, ông Trump cho biết sẽ hành động nếu tổ chức này không sửa đổi các điều khoản quy định mà theo ông là “ưu ái” Trung Quốc. Tuyên bố tại một sự kiện ở bang Pennysylvania, Tổng thống Mỹ nêu rõ Washington sẽ rời khỏi tổ chức này nếu Mỹ lâm vào tình thế “bắt buộc”. Ông Trump lặp lại lý lẽ Mỹ nhiều năm qua bị thua thiệt, đồng thời thể hiện quyết tâm không để tình trạng này tái diễn. 

Cách đây đúng 1 năm, ông chủ Nhà Trắng từng đe dọa rút khỏi WTO khi chỉ trích tổ chức này có cách đối xử không công bằng với Mỹ, đồng thời khẳng định Washington không cần tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức thương mại quốc tế này. Tiếp lời Tổng thống Donald Trump, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cáo buộc WTO can thiệp vào chủ quyền của Mỹ, nhất là trong các trường hợp chống bán phá giá, nhằm cân bằng lợi ích trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Những phát ngôn của chính quyền Donald Trump khiến hình ảnh của WTO bị suy giảm phần nào và tạo ra cảm giác rằng Mỹ chính là “nạn nhân” của hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần giành phần thắng trong các cuộc tranh chấp thương mại do WTO làm trung gian giải quyết, trong đó nổi bật nhất là vụ Mỹ kiện Liên minh châu Âu (EU) trợ giá hãng sản xuất máy bay Airbus gây tổn hại cho đối thủ Boeing của Mỹ. Thực tế, trước khi “sắm vai” bên chịu thiệt tại WTO, Mỹ còn khiến tổ chức này không thể vận hành bình thường. Chính quyền Tổng thống Trump đã phần nào làm tê liệt hoạt động của WTO khi ngăn chặn việc bổ nhiệm thành viên mới cho bộ phận phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp - đơn vị làm trọng tài trong các vụ kiện về thương mại. 

Theo Chad Bown - một chuyên gia thương mại làm việc cho Viện kinh tế quốc tế Peterson, động thái của Mỹ nhằm làm suy yếu WTO đã gây ra tổn hại lâu dài và không phải tất cả đều có thể được khôi phục. WTO vốn được lập ra nhằm cung cấp các quy tắc cho thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Do vậy, nếu Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới rút khỏi WTO sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương do chính Mỹ góp công xây dựng.

Nước Mỹ sẽ phải trước tiên

Những đòn cảnh báo của Tổng thống Mỹ có lẽ không chỉ liên quan tới những thiệt thòi mà nước Mỹ phải chịu do WTO gây ra. Ý định thực sự mà ông Trump hướng tới còn lớn hơn thế. Khi Mỹ đã đưa ra luật chơi, tạo ra cuộc chơi mà nay lại muốn bỏ cuộc chơi thì hàm ý ở đây là Washington đang hướng tới cuộc chơi mới với những luật chơi mới, song Mỹ vẫn phải là tác giả luật chơi và đạo diễn cuộc chơi. Đó là việc Washington muốn muốn tái lập vị thế độc tôn của đồng USD và thương mại Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods vốn ra đời vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Sau hơn 2 thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ. Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi WTO hoặc WTO phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods. 

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ hiện tại vốn chủ trương thiết lập các thỏa thuận thương mại song phương, ở đó, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hóa lợi ích. Đây là điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được. Các chuyên gia thương mại đi tới thống nhất rằng Tổng thống Trump muốn lồng ghép cơ chế song phương trong cơ chế đa phương, từ đó tạo ra sân chơi không bình đẳng, nơi Mỹ đặt ra các luật chơi cho các mối quan hệ. Trong khi ngược lại, nếu các quốc gia khác đưa vấn đề ra giải quyết tại WTO thì Mỹ cho rằng họ bị WTO can thiệp vào chủ quyền, đặc biệt là đối với các vụ chống bán phá giá. Do vậy, việc Tổng thống Trump yêu cầu WTO cải tổ thực ra là muốn định chế này tạo ra một sân chơi không bình đẳng.

Khó có chuyện Mỹ “bỏ cuộc chơi”

Với vị thế dẫn đầu kinh tế thế giới cùng những liên kết phức tạp của thời đại toàn cầu hóa, việc Mỹ rút khỏi WTO có thể có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế toàn cầu, còn hơn cả cuộc chiến thương mại đang gia tăng do ông Trump phát động với Trung Quốc. Đối với Mỹ, không còn là thành viên WTO đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới sẽ đối mặt với nhiều bất lợi. Trong trường hợp này, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu “phiền toái”, khiến những công ty của Mỹ khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Lựa chọn quay lưng lại với thế giới, Mỹ sẽ bị cô lập trong sân chơi toàn cầu. 

Đối với nền kinh tế thế giới, việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ để lại tác động tiêu cực và nghiêm trọng, gây ra sự bất ổn ngày càng lớn đối với thương mại. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế tùy ý và buộc các quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại. Hệ quả là một cơn khủng hoảng toàn cầu sẽ hình thành. 

Ngoài ra, Mỹ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác cũng có động thái tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này. Một sự hỗn loạn như thế sẽ không phải là giải pháp cho những vấn đề của trao đổi thương mại quốc tế, chứ chưa nói tới tham vọng định ra luật chơi toàn cầu của nước Mỹ. Bởi thế, ông Trump sẽ chỉ áp dụng phương án vừa đe dọa, vừa thúc đẩy những thay đổi từ bên trong thông qua việc cải tổ bộ máy và cách thức hoạt động của WTO sao cho phù hợp với lợi ích của Mỹ mà thôi./.

Nguồn: Báo Nghệ An