Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ áp thuế thêm 10% đối với 300 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu còn lại của Trung Quốc. Điều này không những làm thị trường bất ngờ mà còn làm dấy lên cả nghi ngờ. Liệu thuế quan có thực tạo ra tổn thất lớn cho kinh tế Trung Quốc qua đó gây sức ép Trung Quốc khiến Trung Quốc phải nhượng bộ không? Để có được đáp án, cần trả lời hai câu hỏi khác: (i) tác động trực tiếp của thuế quan lên kinh tế Trung Quốc là gì? (ii) những tác động gián tiếp và dụng ý thực sự của Tổng thống D. Trump ra sao?

Ít tác động trực tiếp 

Nửa đầu năm 2019, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,3%, thấp nhất trong gần 30 năm qua. Nhưng con số này vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc và là kết quả của gói kích thích 3.700 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4,1% GDP) từ năm 2018 đến nay. Thặng dư thương mại nửa đầu năm 2019 đạt gần 120 tỉ đô la Mỹ. Một bài viết trên blog của IMF (2019) cho thấy thương chiến ít tác động đến cán cân thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung (nửa đầu năm nay Trung Quốc vẫn thặng dư 30,2 tỉ đô la Mỹ), tác động cũng ít lên kinh tế Trung Quốc (giảm khoảng 0,2-0,5% GDP) và thuế quan chủ yếu do các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ “gánh chịu”. Đồng thời thuế quan cũng chưa làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả hai nước.

Có thể thấy, ngay cả khi thuế quan làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc khoảng 2-3% mỗi năm thì tác động trực tiếp (của thuế quan) lên kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối hạn chế. Vậy có hợp lý không nếu “Ngài Thuế quan” tiếp tục dùng thuế để ép Trung Quốc đi đến thỏa thuận? Những tác động gián tiếp có lẽ là điều không thể xem nhẹ.

Nhưng tác động gián tiếp thì không nhỏ

Ngay cả khi thuế quan làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc khoảng 2-3% mỗi năm thì tác động trực tiếp (của thuế quan) lên kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối hạn chế. Vậy có hợp lý không nếu “Ngài Thuế quan” tiếp tục dùng thuế để ép Trung Quốc đi đến thỏa thuận? Những tác động gián tiếp có lẽ là điều không thể xem nhẹ.
Mặc dù tác động trực tiếp vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc do các công cụ chính sách vẫn còn dư địa sử dụng, nhưng rõ ràng thương chiến đã làm thay đổi nhiều điều kiện căn bản của kinh tế nước này, đặc biệt là làm chậm lại hoặc khiến các chính sách vĩ mô phải tạm dừng lại. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách giảm nợ. Theo dõi số liệu cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc có thể thấy khuynh hướng năm 2017 là cả hai chỉ số này đều giảm mạnh. Nhưng khi thương chiến nổ ra, đà giảm đã ngừng hoàn toàn. Nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng Trung Quốc đạt 12,5% và gần như không đổi từ tháng 1-2018 đến nay. Điều này cho thấy Trung Quốc phải hy sinh mục tiêu giảm đòn bẩy nhanh chóng để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế.

Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng đô la Mỹ chỉ đạt 0,1% (so với 12,7% của năm 2018), trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 9% so với cùng kỳ. Những số liệu này chứng tỏ xuất khẩu của Trung Quốc không phải không chịu tác động của thuế quan. Nhưng quan trọng hơn cả, thương chiến đã làm chính sách thương mại của Trung Quốc phải thay đổi từ ưu tiên nội nhu (nhập khẩu nhiều hơn, tiêu dùng nhiều hơn) sang tập trung cho xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Xuất khẩu ròng từ chỗ làm giảm tăng trưởng kinh tế (năm 2018) đã chuyển sang đóng góp tới 1,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2019. Điều này làm mất cân bằng bên ngoài thêm trầm trọng.

Một thay đổi khác là các chính sách liên quan đến chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025) cũng phải thay đổi. Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều không nhắc đến MIC 2025 trong Hội nghị kinh tế trung ương và Báo cáo công tác chính phủ. Trong tổng số 445 văn bản của chính phủ liên quan đến MIC 2025, chỉ có 11% được ban hành trong năm 2018, cho thấy Trung Quốc không muốn bị chú ý quá mức. Tuy nhiên, đòn trừng phạt nhằm vào Huawei mà Mỹ ban hành giữa tháng 5-2019 có thể sẽ tác động lớn đến tham vọng phát triển mạng 5G và điện thoại di động thông minh của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Dụng ý của Tổng thống Donald Trump

Sau khi đánh giá cả tác động trực tiếp và gián tiếp lên kinh tế Trung Quốc, có thể thấy thương chiến đã tạo ra tác động tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc, nhưng có lẽ chưa đủ lớn để buộc Trung Quốc phải nhân nhượng nếu nó không tạo ra cú sốc với nền kinh tế trong ngắn hạn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lập tức tuyên bố sau tin về mức thuế 10% mà Mỹ sẽ đánh tiếp lên hàng hóa Trung Quốc rằng “Trung Quốc sẽ không chấp nhận áp lực, đe dọa, cưỡng ép và sẽ không thỏa hiệp đối với bất kỳ vấn đề thiết yếu nào”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa đạt được mục tiêu buộc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn mọi thuế quan đã áp từ tháng 6-2018 nên một thỏa thuận dài hạn càng khó đạt được trước năm 2020. Vậy tại sao vũ khí này vẫn được áp dụng? Điều này có thể bắt nguồn từ bốn dụng ý.

Thứ nhất, Tổng thống D. Trump muốn tạo ra khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc, chấm dứt tình trạng kinh tế Trung Quốc “trục lợi” (mà không tuân thủ luật lệ) từ kinh tế Mỹ. Ngoài thuế quan, vai trò của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) cũng được gia tăng từ tháng 8-2018, khiến cho các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ khó khăn hơn. Điều này khiến vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 90% kể từ khi ông D. Trump nắm quyền. Bằng cách giảm bớt sự kết dính của hai nền kinh tế, chính quyền Tổng thống D. Trump quyết tâm buộc các công ty Mỹ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và hạn chế chuyển giao sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và những ngành liên quan đến an ninh quốc gia.

Thứ hai, loại bỏ Trung Quốc khỏi các hệ sinh thái (kỹ thuật - công nghệ, thương mại quốc tế...) nếu không tuân thủ luật chơi do Mỹ đặt ra.

Thứ ba, bằng cách sử dụng thuế quan và các lệnh trừng phạt hành chính (như đang áp dụng với Huawei), Tổng thống D. Trump có thể khiến Trung Quốc trở thành một địa điểm đầy bất trắc đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Có ít nhất bốn loại hàng rào phi thuế quan mà Mỹ còn có thể sử dụng nhắm vào Trung Quốc, gồm: (i) hạn chế đầu tư, (ii) kiểm soát xuất khẩu hàng công nghệ cao từ Mỹ, (iii) trừng phạt tài chính và (iv) sử dụng cáo trạng hình sự. Không ai có thể đầu tư dài hạn tại Trung Quốc nếu không chắc chắn về triển vọng quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung. 

Cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất, dụng ý của Tổng thống D. Trump là sử dụng thuế quan để buộc doanh nghiệp Mỹ quay trở lại Mỹ tạo việc làm, thu hút các doanh nghiệp công nghệ rời Trung Quốc chuyển sang Mỹ. Nhưng doanh nghiệp Mỹ nếu rời Trung Quốc thì phải quay lại Mỹ, việc rời Trung Quốc mà chuyển sang nước thứ ba thì không phải là điều ông D. Trump muốn thấy. Có hai căn cứ cho điều này. Loạt Tweet được Tổng thống D. Trump phát đi ngay sau ngày 10-5 là kêu gọi doanh nghiệp Mỹ quay trở lại làm ăn để tránh bị thuế. Và trả lời của ông D. Trump với Fox Business ngày 27-6: “Hãy nhìn xem, nhiều công ty đang làm những gì mọi công ty nên làm, đó là chuyển việc kinh doanh trở lại Mỹ. Các công ty đang rời khỏi Trung Quốc, nhân tiện, một số (công ty) đang quay trở lại Mỹ vì (các công ty này) không muốn phải chịu thuế”.

Nếu dụng ý này là quan trọng nhất, vậy có thể dự báo rằng thuế quan sẽ không dừng lại ở mức hiện nay, trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ. Nhưng nếu Trung Quốc không nhượng bộ, đó có thể chính là điều mà nước Mỹ muốn nhìn thấy.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn