Nền kinh tế thế giới vốn đã được liên hợp ngày càng chặt chẽ qua các dây chuyền sản xuất toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị phân tán, ít nhất thành hai không gian kinh tế xoay quanh Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 1-8-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo sẽ đánh thuế nhập khẩu 10% trên 300 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Nếu được áp dụng, toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ - khoảng 540 tỉ đô la Mỹ - sẽ chịu thuế nhập khẩu từ 10-25%. Trung Quốc phản ứng ngay lập tức, tuyên bố “không chấp nhận sức ép hay đe dọa nào” và “sẽ có biện pháp trả đũa cần thiết nếu thuế 10% được áp dụng”.

Lập trường thương mại xa nhau, khó thỏa hiệp

Việc leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho thấy cuộc hội đàm ở Thượng Hải cuối tháng 7 vừa qua đã thất bại - lập trường của hai bên trở nên cứng nhắc và cách xa nhau hơn. Phía Mỹ tiếp tục đòi Trung Quốc phải thực hiện những cam kết mà Mỹ cho là hai bên đã đồng ý trong tháng 5 vừa qua (trước khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 25% trên 250 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc đã không giữ lời hứa). Cụ thể là Trung Quốc phải thay đổi luật pháp và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc “trộm” và buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ, mua hàng Mỹ để giảm nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc, mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ và bảo đảm sân chơi bình đẳng bằng cách bỏ bao cấp và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trên hàng nhập khẩu cho đến khi Trung Quốc thực hiện các cam kết và muốn mình có khả năng đơn phương đánh/tăng thuế nếu thấy Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết (mà phía Trung Quốc không được trả đũa).

Việc hạn chế xuất khẩu và đầu tư đối với Trung Quốc là triển khai thực hiện luật pháp nước Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, vì thế rất khó thay đổi vì chúng không còn là vấn đề kinh doanh và đề tài thương lượng giữa hai nước. Hai đạo luật ECRA và FIRRMA sẽ có ảnh hưởng lớn và lâu dài hơn so với việc đánh (hay bỏ) thuế nhập khẩu trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ngược lại, Trung Quốc cho rằng không có cam kết gì cho đến khi hai bên hoàn toàn đồng ý toàn bộ thỏa ước. Quan trọng hơn, Trung Quốc muốn Mỹ bỏ ngay mọi thuế nhập khẩu, thương lượng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau để có thỏa ước cân bằng - nhất là trong cơ chế giám sát và chế tài việc hai bên thực hiện cam kết. Trung Quốc cũng hứa sẽ mua thêm hàng của Mỹ, nhưng khối lượng và thời điểm phải hợp lý và tùy theo nhu cầu của Trung Quốc.

Phân tích đòi hỏi của hai bên, có thể thấy, một số vấn đề có khả năng thỏa hiệp, trừ hai vấn đề cơ bản rất khó có sự đồng ý. Các vấn đề có thể thỏa hiệp gồm phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bỏ việc “trộm”, đòi chuyển giao công nghệ. Lý do chính là bản thân Trung Quốc cũng cần luật lệ rõ ràng để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình. Trung Quốc cũng muốn mở cửa thị trường Trung Quốc trong một số lĩnh vực như tài chính (để giúp hiện đại hóa thị trường tài chính Trung Quốc) hay ô tô (vì các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đã đủ sức cạnh tranh với công ty nước ngoài). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý trên nguyên tắc mua thêm hàng của Mỹ, chỉ còn thương lượng về chi tiết.

Vấn đề cơ bản rất khó giải quyết là đòi hỏi thay đổi cơ chế bao cấp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp ưu tiên được Trung Quốc chọn để phát triển lên mức dẫn đầu thế giới trong kế hoạch “Làm tại Trung Quốc năm 2025” (“Made in China 2025”). Cơ chế doanh nghiệp nhà nước là nền tảng và cũng là động cơ phát triển và hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, nên Trung Quốc không thể thay đổi được.

Về việc giám sát và chế tài việc thực hiện cam kết, phía Mỹ phải bỏ đòi hỏi cơ chế đơn phương một chiều như hiện nay. Nếu không thì phía Trung Quốc sẽ không thể nào chấp nhận được.

Trung Quốc đã đánh thuế 20-25% trên 110 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Mỹ. Vì Trung Quốc chỉ nhập 120 tỉ đô la hàng mỗi năm từ Mỹ nên không còn chỗ đánh thuế, trừ khi tăng thuế suất và dùng những biện pháp phi thuế quan để giảm nhập hàng Mỹ và gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, như để tên vào danh sách “các đơn vị không tin cậy” (“Unreliable entities list”). Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể hạn chế việc cung cấp đất hiếm cần thiết cho sản xuất hàng điện và điện tử (đất hiếm gồm 18 loại hợp kim chứa đất hiếm; Trung Quốc khống chế trên 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu) và phá giá đồng nhân dân tệ để vô hiệu hóa hiệu ứng thuế nhập khẩu của Mỹ. Hai biện pháp sau cùng sẽ gây phản ứng mạnh từ phía Mỹ và có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh tiền tệ - với hậu quả rất xấu đối với kinh tế thế giới và có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hạn chế xuất khẩu và đầu tư đã là... luật của Mỹ

Ngoài việc đánh thuế nhập khẩu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn gồm cả việc hạn chế xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Trong năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua hai đạo luật quan trọng với sự ủng hộ rất lớn từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (và sau đó được Tổng thống Donald Trump ký thành luật). Đó là luật Xem xét lại việc hạn chế xuất khẩu (ECRA: Export control review act) và luật Hiện đại hóa việc phê duyệt các rủi ro trong đầu tư nước ngoài (FIRRMA: Foreign investment risk review modernization act).

Luật ECRA giao cho Bộ Thương mại Mỹ lập danh sách các doanh nghiệp (“entity list”) từ các nước, và trong những ngành, có khả năng đe dọa an ninh quốc gia - chủ yếu là nhắm vào Trung Quốc và các ngành công nghiệp được nêu ra trong kế hoạch “Made in China 2025”. Các doanh nghiệp hay cá nhân Mỹ muốn có quan hệ kinh doanh với những doanh nghiệp trong danh sách này cần phải xin giấy phép của Bộ Thương mại và sẽ bị từ chối trừ trường hợp đặc biệt. Sắp tới Bộ Thương mại sẽ công bố danh sách này và số doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch với Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều. Việc cấm giao dịch với Công ty Hoa Vi (Huawei) và năm công ty máy siêu vi tính (super computers) chỉ là bước đầu.

Luật FIRRMA tăng cường quyền hạn của Ủy ban Xét duyệt đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS: Committee on foreign investment in the US). Vì chế độ xét duyệt trở nên khó khăn hơn, vốn FDI từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ còn có 5,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018 (và 2,8 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm 2019), giảm đến 88% so với đỉnh cao 46,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016.

Việc hạn chế xuất khẩu và đầu tư đối với Trung Quốc là triển khai thực hiện luật pháp nước Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, vì thế rất khó thay đổi vì chúng không còn là vấn đề kinh doanh và đề tài thương lượng giữa hai nước. Trong tương lai sắp tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch và đầu tư vào Mỹ. Điều này sẽ làm quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Nói tóm lại, hai đạo luật ECRA và FIRRMA sẽ có ảnh hưởng lớn và lâu dài hơn so với việc đánh (hay bỏ) thuế nhập khẩu trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới và Việt Nam

Như đã phân tích, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã vượt qua phạm vi thương mại, đụng chạm đến vấn đề an ninh quốc gia - thể hiện tình trạng cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa hai siêu cường. Quan hệ Mỹ - Trung như thế sẽ tiếp tục căng thẳng và đầy sóng gió, cho đến khi hai nước tìm được cách “chung sống hòa bình”. Quá trình này và kết quả của nó có tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới.

Trước mắt, chiến tranh thương mại và tình trạng bất ổn, không chắc chắn trong môi trường kinh doanh quốc tế đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế, xuống còn 2,6% trong năm nay, so với 3% trong năm 2018, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới vì thế cũng chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 3,6% (tính vào đầu năm nay) xuống còn 3,2%. Nếu thuế 10% như Mỹ vừa công bố có hiệu lực từ ngày 1-9-2019 thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ còn giảm thêm. Tình trạng này gây khó khăn cho nhiều nước, đặc biệt là những nước dựa vào thương mại quốc tế như Việt Nam - nước gần như dẫn đầu thế giới với tỷ lệ xuất khẩu/GDP tới trên 100%.

Về lâu dài, nỗ lực của Mỹ nhằm cách ly doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp và kinh tế Mỹ trong các ngành công nghiệp hiện đại, tiên tiến sẽ thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tự túc trong việc phát triển các công nghiệp này. Nói chung, Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng không gian kinh tế cho mình, độc lập với Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ cố gắng hoàn tất việc thương lượng tám hiệp định thương mại tự do (FTA), quan trọng nhất là RCEP (Regional comprehensive economic partnership) gồm 10 nước ASEAN và sáu nước đối tác ở châu Á (Trung Quốc đang có 16 FTA với hơn 100 nước). Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai dự án Vành đai và con đường (BRI) - hiện đã có hơn 60 nước tham gia các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ yểm trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu thiết bị và dịch vụ có công nghệ hiện đại, tiên tiến, như Công ty Hoa Vi với công nghệ 5G, Công ty Bắc Đẩu với dịch vụ vệ tinh dẫn đường để cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.

Nền kinh tế thế giới vốn đã được liên hợp ngày càng chặt chẽ qua các dây chuyền sản xuất toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị phân tán, ít nhất thành hai không gian kinh tế xoay quanh Mỹ và Trung Quốc. Nếu trở thành hiện thực, điều này sẽ làm tăng giá và phí trong thương mại quốc tế, giảm hiệu năng của kinh doanh và vì vậy giảm tăng trưởng kinh tế, gây khó khăn cho mọi nước trên thế giới.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn