Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một trong 11 quốc gia tham gia ký kết đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đã được ký kết (chờ phê chuẩn). Vậy cơ hội, thách thức nào đối với nông sản Việt? Đây là chủ đề “nóng” được thảo luận tại hàng loạt hội nghị, hội thảo diễn ra trong thời gian gần đây.

Cơ hội đi kèm thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hiện Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương lẫn đa phương. Những FTA thế hệ mới này có tiêu chuẩn rất cao đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, xã hội, môi trường. Tác động của hội nhập kinh tế trực tiếp đến từng ngành, từng lĩnh vực, doanh nghiệp và đời sống của người dân. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Ví dụ, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới (cà phê đứng thứ hai, gạo thứ ba, đồ gỗ thứ năm). Các FTA chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông sản nhằm gia tăng tính cạnh tranh và giá trị xuất khẩu.

Chia sẻ về cơ hội của nông sản, khi Việt Nam tham gia các FTA, ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: "Khi tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt với CPTPP, EVFTA, nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tùy từng ngành, cơ hội này là khác nhau. Các mặt hàng trái cây, thủy sản, đồ gỗ và lâm sản có lợi thế cạnh tranh rất cao. Tiếp đến là một số sản phẩm khác cũng có lợi thế cạnh tranh tốt, như: Hồ tiêu, điều, cà phê. Ngược lại, đối với những sản phẩm chăn nuôi chúng ta sẽ bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí ngay chính trên “sân nhà”, như sản phẩm thịt bò, thịt gà...".

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các FTA tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp và đều có điều khoản cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Mức thuế đều được đưa về 0%, có loại hàng hóa mức thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, có loại mức thuế được áp dụng theo lộ trình của nước tham gia ký kết. Mặt khác, các FTA cũng ngày càng có nhiều hàng rào phi thuế quan (còn gọi hàng rào kỹ thuật). Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan chính là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, nông sản xuất khẩu vào những thị trường này phải đáp ứng được các quy định.

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam xuất khẩu trái cây vào Hàn Quốc, Mỹ chủ yếu là dừa, thanh long. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do thiếu cơ sở chiếu xạ, đặc biệt cơ sở chiếu xạ được phía Mỹ chấp thuận. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có một cơ sở chiếu xạ duy nhất ở miền Nam (được Mỹ chấp thuận). Để tăng cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm trái cây, Việt Nam phải có các cơ sở chiếu xạ. Một hạn chế nữa là Việt Nam có rất nhiều loại nông sản tốt nhưng chưa có thương hiệu, nhất là trái cây nên giá trị xuất khẩu đem lại không cao. Xuất khẩu nông sản tươi giá trị gia tăng thấp, khó vận chuyển, bảo quản và chi phí vận chuyển hiện cao hơn so với Hàn Quốc và một số quốc gia do logistis chưa được tốt".

Việc nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một trong những vấn đề sống còn của ngành nông nghiệp khi nền kinh tế của Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết, tham gia các FTA. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: EVFTA, CPTPP là những FTA thế hệ mới. Nông sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường thì sản phẩm nông sản Việt Nam có thể thua ngay trên “sân nhà”.

Để khai thác tốt lợi ích các FTA mang lại

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Tham gia các FTA cũng giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, đặc biệt vào công nghệ chế biến; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam nhờ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp. “Trong khuôn khổ hiệp định CPTPP, các nước thành viên cắt giảm hơn 48% dòng thuế nông nghiệp về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và đạt mức hơn 60% sau 10 năm; riêng Australia, New Zealand và Singapore thì hầu hết các dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu tiên. Các nước đã có FTA với Việt Nam, gồm: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, hầu hết các dòng thuế cũng sẽ giảm sâu về 0% trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hàng hóa xuất nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi về thuế, phi thuế hay hạn ngạch như cam kết thì cần phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: "Các FTA chính là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD thì chúng ta có hơn 30 ngành hàng và nông nghiệp chiếm một phần lớn trong số đó. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp những trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia các FTA. Do đó, chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đều cho rằng, để khai thác được lợi thế do các FTA mang lại, trong đó có CPTPP, EVFTA, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ (phần lớn có thuế 0%), nông sản Việt Nam cần phải nâng cao được chất lượng, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Vượt qua được “rào cản” kỹ thuật này, nông sản Việt mới có thể xâm nhập được thị trường khó tính. Bởi thị trường các nước tham gia EVFTA, CPTPP luôn có những tiêu chuẩn rất cao về nông sản. Điều này được chính người đứng đầu ngành nông nghiệp-Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Nông sản chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc thì bán ở đâu cũng được và có cơ hội giành chiến thắng dù thị trường nội địa hay xuất khẩu.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân