Với việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (vốn đã kéo dài một năm) chưa có dấu hiệu kết thúc, hoạt động xuất khẩu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã "bay" mất gần 20 tỉ USD cho đến thời điểm này.

Cuộc chiến thuế quan leo thang, Mỹ chịu thiệt hại nhiều hơn vì áp thuế các hàng hóa "khó đỡ"

Theo Nikkei Asian Review, sụt giảm về xuất khẩu (khoảng 20 tỉ USD) do chiến tranh thương mại khiến doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc phải tiến hành sắp xếp lại chuỗi cung ứng và tạo tiền đề cho những thay đổi lớn trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Cuộc xung đột thương mại bắt đầu từ ngày 6/7/2018, khi Mỹ bắt đầu áp thuế quan 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này dẫn đến một loạt hành động trả đũa từ Chính phủ Trung Quốc và kích thích các đợt thuế quan mới từ phía Mỹ.

Mặc dù hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán, họ dường như vẫn chưa đồng thuận về các vấn đề chính.

Do đó, hoạt động thương mại Mỹ - Trung phải gánh chịu ảnh hưởng. Khi đánh giá khối lượng xuất khẩu của một số sản phẩm nhất định đã giảm bao nhiêu trong năm qua khi chúng trở thành đối tượng bị áp thuế quan (tính đến tháng 4/2019), mức độ thiệt hại ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Theo dữ liệu thương mại, hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sau khi bị đánh thuế đã giảm khoảng 18 tỉ USD, tương đương 14%, chiếm khoảng 3% trong tổng số lô hàng hàng năm của Trung Quốc đến Mỹ.

Mỹ phải gánh chịu một đòn nặng nề hơn khi hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi bị áp thuế giảm 38%, khoảng 23 tỉ USD. Mức giảm này trên tương đương với gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thường niên đến Trung Quốc.

Thuế quan đã leo thang lên 25% đối với gần một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và 70% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sang đất nước tỉ dân.

1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc bắt đầu thu hẹp ngay sau khi Bắc Kinh áp thuế đối với hàng hóa Mỹ để trả đũa cho động thái đánh thuế quan trừng phạt lên một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng 7/2018.

Đến cuối năm ngoái, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm gần 4 tỉ USD so với 12 tháng trước đó.

Các lô hàng của Trung Quốc xuất trên khắp Thái Bình Dương không đi xuống rõ rệt cho đến 4 tháng sau đó với mức suy giảm bắt đầu vượt 4 tỉ USD vào đầu năm 2019.

Lí giải tình trạng suy yếu trên, ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định nguyên nhân là sự khác nhau của các loại hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc xuất khẩu sang nước còn lại.

Trung Quốc khôn ngoan khi áp thuế mặt hàng dễ mua từ nước khác

Trung Quốc chủ yếu áp dụng thuế quan đối với sản phẩm nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch Mỹ, vốn có thể dễ dàng mua từ các quốc gia khác. Ngược lại, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là những sản phẩm mà các nước khác khó có thể cung cấp với mức chi phí rẻ tương tự.

Bắc Kinh chủ yếu nhắm đến hàng nông sản và thủy sản từ Mỹ trong đợt thuế quan bổ sung đầu tiên. Sau đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đánh vào hàng hóa trong vòng thuế quan thứ hai, tuy nhiên đây lại là các mặt hàng có nhiều nhà cung ứng thay thế.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Trump đầu tiên nhắm vào hàng công nghiệp có mục đích sử dụng đặc biệt của Trung Quốc, như van giảm áp, cáp điện, mạch tích hợp và cầu chì.

Hàng hóa trung gian của Trung Quốc có mối liên quan chặt chẽ đến chuỗi cung ứng của hầu hết sản phẩm công nghiệp.

Các nguyên vật liệu đôi khi được vận chuyển qua lại trên Thái Bình Dương trước khi tìm đường đến người tiêu dùng đầu cuối. Chẳng hạn, Eastman Chemical (hãng sản xuất hóa chất lớn tại Mỹ) xuất khẩu nguyên liệu đặc biệt để chế tạo bộ đồ ăn bằng nhựa chống vỡ đến Trung Quốc.

2

Ảnh: Nikkei Asian Review

Tại Trung Quốc, nguyên liệu này sẽ được đúc thành chén, dĩa và các sản phẩm khác và được xuất khẩu trở lại Mỹ.

Doanh nghiệp Mỹ - Trung chịu áp lực né thuế và giảm chi phí sản phẩm

Do thuế quan có thể vẫn được giữ nguyên trong quá trình đàm phán, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, các nhà xuất ở hai nước đang phải chịu áp lực khi cùng lúc tránh mức thuế cao và giảm chi phí thành phẩm.

Ông Paul Arling, CEO của hãng Universal Electronics có trụ sở ở Mỹ, cho biết công ty của ông đang điều chỉnh theo thực tế này. Công ty này chuyên sản xuất remote cho TV và các sản phẩm khác ở Trung Quốc, tuy nhiên, họ đã chuyển một nửa hoạt động sản xuất sang nhà máy ở Mexico hồi cuối tháng 6.

Phó Chủ tịch Gerry Mattios của hãng tư vấn Bain & Company nhận định, các công ty ban đầu có thái độ chờ đợi đang bắt đầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ.

Nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang di dời ra khỏi quốc gia tỉ dân. Goertek, hãng lắp ráp AirPod của Apple, đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở miền bắc Việt Nam với chi phí 260 triệu USD.

Khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc hành động để bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp trước thuế quan, Trung Quốc có thể bắt đầu cảm thấy nỗi đau. Một số quốc gia khác cũng lo sợ bị lôi kéo vào vòng xoáy thuế quan.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm thay đổi mạnh mẽ bối cảnh thương mại của ngành nông nghiệp trên toàn cầu. Trong giai đoạn tháng 7/2018 - 4/2019, xuất khẩu đậu nành và hạt có dầu khác của Brazil đến Trung Quốc đã tăng 48% trong năm và xuất khẩu đậu nành từ Canada cũng tăng 52%, dần thay thế cho các loại hạt có dầu đắt đổ của Mỹ.

Trong khi xuất khẩu nhiên liệu của Mỹ, gồm khí tự nhiên hóa lỏng, đã giảm hơn 50% sau khi Trung Quốc áp thuế bổ sung 25%, xuất khẩu nhiên liệu của Arab Saudi tăng 51% và của Nga tăng 40%.

Cùng lúc đó, Việt Nam, Mexico và Hàn Quốc đang tăng cường xuất khẩu thiết bị điện và máy móc sang Mỹ để thay thế cho các nhà cung ứng Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Trong giai đoạn tháng 7/2018 - 4/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.

"Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", một nhà phân tích của Nomura Holdings cho hay.

Tuy nhiên, một số quan sát viên thị trường nói rằng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể bao gồm cả cái gọi là "xuất khẩu đường vòng", theo đó Trung Quốc sẽ giả mạo nguồn gốc của sản phẩm và xuất sang Mỹ.

Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng