Thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, mặc dù giá xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam bị phụ thuộc mạnh vào biến động giá của thị trường thế giới nhưng trong những tháng qua mặt hàng này vẫn đạt kim ngạch cao.

Tính đến đầu tháng 10/2010 kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 335 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2009. Dự kiến trong năm nay mặt hàng này sẽ vượt kim ngạch 350 triệu USD theo như dự báo ban đầu.

Xuất khẩu trên đà tăng trưởng

Một trong những nguyên nhân tạo đà cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua tăng trưởng là do trong những tháng đầu năm 2010 nhiều đơn hàng đã được ký kết với số lượng lớn. Chất lượng trái cây dần được cải thiện thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu của các đối tác nước ngoài.

Đáng chú ý, lô hàng vú sữa đầu tiên đã được xuất sang thị trường Canada và Anh. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trái cây cũng liên tục được tổ chức và đã thu hút được khá nhiều các nhà nhập khẩu của nước ngoài quan tâm. Mới đây đoàn chuyên gia nông nghiệp của Hàn Quốc đã đến Việt Nam kiểm tra hệ thống xử lý thanh long, tham quan vùng trồng, sơ chế thanh long tại Long An và Tiền Giang. Các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá thông số kỹ thuật khử khuẩn trái cây bằng hơi nước nóng đạt tiêu chuẩn. Qua chuyến thăm Việt Nam lần này nếu các chuyên gia Hàn Quốc nhanh chóng hoàn tất bản phân tích nguy cơ dịch hại và xây dựng tiêu chuẩn nhập khẩu cho thanh long Việt Nam thì trong thời gian tới, thanh long nước ta lại có thêm một thị trường mới bên cạnh thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Với những thuận lợi trên trong những tháng qua, mặt hàng rau quả xuất khẩu đã đạt khoảng 335 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ, tập trung vào 5 thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Nga và Hoa Kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt cao nhất với 40 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2009. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt 36 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2009. Ngoài ra, một số thị trường khác như Xri Lanca, Quata, Đan Mạch… cũng đạt mức tăng trưởng cao.

Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ), mặt hàng rau quả của nước ta đang tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng được cải thiện thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Hiện cả nước có 964 đặc sản nông nghiệp gắn với 733 địa danh. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng ký bảo hộ được 19 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu chứng nhận và 20 nhãn hiệu tập thể.

Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hiện đã có 23 dự án về chỉ dẫn địa lý và 30 dự án về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đang triển khai, gồm hỗ trợ tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế các phương tiện quảng bá sản phẩm... Nhìn chung, sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ, các sản phẩm đều bán được với giá cao hơn từ 1,5 đến 3 lần so với sản phẩm chưa được đăng ký, kéo theo đó là việc sản lượng tiêu thụ mạnh.

Giá rau quả trong nước tăng lên

Nhờ xuất khẩu tốt, giá thành rau quả bán trong nước cũng đang tăng lên, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Hiện bưởi da xanh tại Vĩnh Long được thu mua với với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 2-3 lần so với các loại bưởi thường khác. Với giá thu mua này, nhà vườn trồng bưởi da xanh thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt năm nay, Vĩnh Long còn mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung nên sức tiêu thụ hầu hết các cây trái đều tăng cao. Thời điểm hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây ăn trái phải tăng số lượng tối đa mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Tại An Giang, theo tin từ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang, thời gian vừa qua, giá nông sản tại đây cũng được tăng lên đáng kể. Một mặt là do các doanh nghiệp trong tích cực đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác do nhiều bạn hàng từ Campuchia vào tận các bến chợ ven chân núi của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tìm nông sản về chế biến, tiêu thụ nên giá tăng cao. Hiện xoài cát Hòa Lộc dao động từ 20.000đ đến 25.000 đồng/kg (trái già); xoài non hơn 10.000 đồng/kg, tăng gấp 2- 3 lần so với bình thường. Ngoài ra, ớt cũng đang được giá là mặt hàng được tiêu thụ mạnh với giá 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân có thể thu gần 15 triệu đồng/sào ớt và 200 triệu đồng/ha ớt. Toàn tỉnh hiện có trên dưới 550 ha ớt, dự kiến năm tới sẽ mở rộng diện tích thêm, nhằm kịp thời đáp ứng cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Còn tại Vĩnh Long, giá cam sành cũng được các thương lái thu mua tận vườn với mức giá từ 16.000- 20.000 đ/kg. Trung bình mỗi hecta cam sành, nông dân thu được từ 120- 150 triệu đồng. Hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Long đang tích cực triển khai cho các huyện trong tỉnh khôi phục lại diện tích vườn cam sành bị giảm bằng việc cử cán bộ trạm bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trị bệnh, khuyến cáo nông dân chọn mua cây giống sạch bệnh khi trồng vườn cam mới.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử