Dù Washington và Bắc Kinh đã thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến thuế và nối lại đàm phán thương mại nhưng điều này không giúp giải tỏa các mối lo ngại của Trung Quốc bởi với các tính toán khó đoán của Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận này có thể đảo ngược bất cứ lúc nào.

Hôm 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận dừng áp thuế mới nhằm vào thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm để ngồi lại vào bàn đàm phán thương mại. Ông Trump cũng tuyên bố các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán linh kiện cho Huawei nếu chúng không áp đặt các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra rất ít thông tin chi tiết về thỏa thuận này, phản ứng của người dân và giới doanh nghiệp nói chung khá thận trọng và không quá hào hứng.

Wang Jie, chủ nhà máy sản xuất giày dép Yintong Shoes ở TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, nói: “Tôi cũng như nhiều chủ nhà máy sản xuất giày dép khác ở Đông Hoản cho rằng dù vấn đề thuế đã tạm thời lắng dịu, viễn cảnh kinh doanh vẫn không chắc chắn. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump đảo ngược quyết định một lần nữa? Ông ấy quá khó đoán và có ít độ tin cậy”.

Wang Jie cho biết nhà máy của ông tiếp tục mất rất nhiều đơn hàng từ Mỹ trong những tháng gần đây. “Ông Trump luôn thay đổi, vậy nên, chúng tôi thận trọng hơn so với trước đây. Dù sao đi nữa, khi mà tình trạng suy giảm đơn hàng đã là một xu hướng đã được xác nhận, chúng tôi chỉ có thể giảm chi phí hoạt động và chờ đợi”, Wang Jie nói.

Thông báo chính thức của Trung Quốc được đăng trên Tân Hoa xã và được phát đi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nhắc gì đến việc ông Trump nói sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei. Ông Vương Tiểu Long, đặc sứ về các vấn đề G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiêm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng không bình luận trực tiếp về động thái mới của ông Trump với Huawei.

“Ban đầu, ông Trump nói rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, còn giờ đây, ông ấy nói các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán sản phẩm cho hãng này. Các cuộc đàm phán thương mại và thỏa thuận tạm dừng áp thuế dường như chẳng đáng tin cậy chút nào”, Andy Xu, Giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ ở Quảng Châu, nói.

Hôm 2-7, Giám đốc Văn phòng Chính sách Sản xuất và Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định chính sách của Mỹ với Huawei vẫn không thay đổi.

Ông nói Mỹ chỉ cho phép bán các sản phẩm chip cấp thấp cho Huawei vì chúng không tác động đến an ninh quốc gia. “Bán những con chip này cho Huawei với số lượng nhỏ có giá trị chưa đến 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong ngắn hạn chỉ là vấn đề nhỏ”, ông Peter Navarro nói.

Một nhà bình luận độc lập có 30.000 theo dõi trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, cho biết: “Chiến tranh thương mại dường như đã hạ nhiệt nhưng chúng ta tiếp cận được rất ít thông tin chi tiết, ngoại trừ các thông tin từ báo chí Trung Quốc”.

Hôm 30-6, một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định có thể sẽ còn nhiều “thăng trầm” trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tương lai.

“Mọi chuyện vẫn chưa được dàn xếp xong. Chúng ta phải thấy rằng phía Mỹ có tiền lệ thay đổi chính sách”, bài xã luận cảnh báo.

Hôm 4-7, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Cao Phong, ra điều kiện rằng nếu muốn đạt được thỏa thuận thương mại, Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các đòn thuế đang áp vào 250 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc.

Trước đây, các quan chức thương mại Mỹ khăng khăng yêu cầu phải giữ lại một số đòn thuế với hàng hóa Trung Quốc ngay cả khi hai nước ký thỏa thuận thương mại. Họ nói nếu Trung Quốc thực hiện hiệu quả các cam kết trong thỏa thuận thì các đòn thuế này mới được dỡ bỏ dần dần.

Hôm 5-7, một bài bình luận trên Taoran Notes, tài khoản ở mạng xã hội WeChat, của tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) cảnh báo Trung Quốc sẽ không mua hàng hóa nông nghiệp Mỹ nếu như Mỹ tiếp tục “lật kèo” trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc.

Nhà phân tích Steven Okun ở Công ty tư vấn McLarty Associates (Mỹ) nói rằng cả chính phủ Mỹ lẫn các doanh nghiệp Mỹ đều không tin Trung Quốc giữ đúng các cam kết trong các thỏa thuận thương mại song phương trước đây, do vậy, Mỹ đang tìm cách bảo đảm Trung Quốc phải thực hiện các cam kết trong thỏa thuận mới.

“Mỹ xem việc giữ lại một số đòn thuế (trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc) là cách hiệu quả để làm điều đó”, Steven Okun nói.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng