Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và có mức tăng cao 10,4%.

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp vượt mục tiêu đề ra 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, duy trì tỷ lệ tăng dần qua các tháng. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước tăng 9,13%, vượt mục tiêu đề ra trong kịch bản tăng trưởng (là 6T/2019 tăng 9,09%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau nhiều năm liên tiếp giảm.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và có mức tăng cao 10,4%; Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018.

Để có được kết quả trên, lãnh đảo Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, thì kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả khá tích cực cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 6,7%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất 

Cũng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, để đạt được mục tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2019 theo kịch bản đã báo cáo với Chính phủ, cần phải nỗ lực tập trung bám sát tình hình, theo dõi diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước để có các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ở các dự án lớn, địa bàn trọng điểm về sản xuất công nghiệp và thương mại) và phản ứng chính sách kịp thời.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phải tập trung bám sát thực hiện. Theo đó, Bộ Công Thương ưu tiên dành thời gian để làm việc với cơ sở, nắm sát tình hình để đôn đốc, kiểm tra, xử lý công việc.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” và “mượn xuất xứ” của Việt Nam để vào Mỹ.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định CPTTP của Chính phủ và của các Bộ ngành, địa phương.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bứt phá thị trường trong nước, phát huy vai trò của khu vực thị trường trong nước để đóng góp vào tăng trưởng tốt hơn cũng là nhiệm vụ then chốt của Bộ trong thời gian tới. 

Nguồn: VN Media