Ròng rã 9 năm đàm phán, EVFTA cuối cùng cũng được ký kết vào ngày 30/6. Trong 9 năm ấy, đã có lúc tưởng chừng như EVFTA bế tắc. Vì vậy không khó hiểu vì sao các chính trị gia, chuyên gia kinh tế trong những ngày qua lại hân hoan đến như vậy.

Công bằng mà nói, trong rất nhiều FTA đã được ký kết, thì CPTPP dù không có Mỹ tham gia và EVFTA là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Việt Nam kỳ vọng nhiều. Độ mở của nền kinh tế thông qua các FTA mà Việt Nam đã ký kết là rất lớn nhưng những lợi ích do các FTA mang lại không phải lúc nào cũng được Việt Nam tận dụng tốt. Chính vì vậy, như nhiều lãnh đạo và chuyên gia đã nhận định, dường như khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng tốt hơn các lợi thế mà các FTA mang lại cho… Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, chắc chắn EU và Mỹ, Nhật là những thị trường mà Việt Nam hướng đến. Không chỉ vì những lợi ích thương mại mà những thị trường này mang lại, mà như nhiều nhận định khả tín cho hay: những hiệp định thương mại với các thị trường này sẽ là động lực cải cách thể chế tại Việt Nam.

Đương nhiên, không thể phủ nhận rằng: các FTA mà mới nhất là EVFTA khi được phê chuẩn sẽ mở ra một thị trường mới, rộng lớn hơn cho sản xuất, xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam. Các dòng thuế được cắt giảm, các thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh sẽ tuân theo những quy định có thể là thông thoáng hơn, nhưng cũng có thể là khắt khe hơn để đảm bảo được chất lượng tốt hơn cho nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về hai hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và EVFTA đã “ví von” như hai đường cao tốc nối Việt Nam và EU. Điều đó không phải là “ngoa ngôn” mà thực tế là một mục tiêu mà Việt Nam hướng tới. EU, với các tiêu chuẩn rất cao về đầu tư, kinh doanh có truyền thống lâu đời sẽ là một trong những đối tác quan trọng không chỉ trong giao thương mà còn trong cả thúc đẩy sự tương thích về thể chế. Bởi suy cho cùng, các đối tác thương mại chỉ có thể “làm ăn” có hiệu quả khi thể chế không phải là rào cản.

Chỉ có điều, khi “hai đường cao tốc” mà Việt Nam đã sẵn sàng bước lên chính thức vận hành, thì hành trang Việt Nam mang theo sẽ là gì? 9 năm ròng rã đàm phán, Việt Nam đã có sự chuẩn bị thế nào để sẵn sàng bước vào một cuộc chơi lớn với một đối tác mà sự chuẩn mực trong đầu tư, kinh doanh không chỉ là lợi nhuận? Những câu hỏi này đến nay dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nếu chú ý rằng: thẻ vàng thủy sản mà EU dành cho Việt Nam là một kinh nghiệm sâu sắc, thì cũng có nghĩa là, năng lực tuân thủ những chuẩn mực cao của doanh nghiệp Việt Nam đã được chuẩn bị đến đâu là câu hỏi khó tường minh ngay lúc này. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp, năng suất của lao động Việt Nam, chi phí gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đang là động lực hay áp lực trong hội nhập vẫn là điều rất khó trả lời.

Cho đến nay, các cam kết trong EVFTA đã được nội luật hóa như thế nào vẫn là vấn đề cần được đặt ra. Kỳ họp Quốc hội vừa qua, cùng với việc phê chuẩn Công ước 98 và gấp gáp sửa đổi một số luật liên quan đến lao động, công đoàn, đầu tư, kinh doanh… cho thấy, việc chuẩn bị một hành trang đầy đủ cho hội nhập vẫn rất tất bật.

Nhiều người sau sự hân hoan ban đầu đã cảm thấy lo lắng trước những “đối thủ nặng ký” đến từ EU trong cuộc hội nhập này. Những lo lắng về việc các dòng thuế khi được cắt giảm sẽ khiến hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ từ EU đổ vào Việt Nam không phải là không có cơ sở. Bởi rõ ràng khi những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đang bộc lộ những vấn đề về xuất xứ, trong khi chúng ta chưa có quy định rõ ràng, thì hẳn nhiên sự lo lắng này chủ yếu đến từ sự “chính trực” của kinh doanh. Mà “chính trực” lại là một trong những điểm cốt lõi mà EU hay các thị trường tiên tiến, nhân bản nhắm đến và coi là mục đích tối thượng của sản xuất, kinh doanh.

Công bằng mà nói, nếu để ý tới các ngành hàng như dệt may, thủy sản thì các tiêu chuẩn hiện đại, “chính trực” từ EU, Mỹ, Nhật Bản… không phải là xa lạ. Những doanh nghiệp trực tiếp hội nhập và làm ăn với các thị trường tiến bộ không quá lo lắng về những tiêu chuẩn ấy. Bởi lẽ, dù có cao đến đâu thì các tiêu chuẩn kỹ thuật, thường được gọi là “hàng rào” này vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch như bản chất vốn có của thể chế tiên tiến mà Việt Nam đang nỗ lực hội nhập vào.

Điều đáng lo hơn có lẽ đến từ những vấn đề thể chế nội tại. Chẳng hạn như cuộc chiến dai dẳng hơn 20 năm qua, mà đỉnh điểm là từ đầu nhiệm kỳ này, mang tên “cắt giảm điều kiện kinh doanh”. Đến nay, cuộc chiến ấy vẫn rất “giằng co” mà phần thắng thường không nghiêng về phía doanh nghiệp, chủ thể chính của nền kinh tế. Thêm nữa, các quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, “thói quen thích thanh, kiểm tra” của nhà nước cũng là những điều đáng lo ngại. Bởi nó có thể không chỉ phương hại đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, mà còn là nguồn cơn để sinh ra những “thể chế khuyết tật” bóp méo tính chính trực trong kinh doanh, đầu tư. Lý do cũng chỉ bởi vì tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng, thực thi những thể chế này không đủ, dẫn đến doanh nghiệp không thể tiên lượng được những rủi ro hay chi phí khi các chính sách ấy được ban hành.

Điều ấy dẫn đến một hệ quả là, dù các FTA có mở ra cơ hội đến đâu, nhưng công cuộc “đào thoát” khỏi những rào cản bên trong vẫn “ngốn” của doanh nghiệp một nguồn lực không nhỏ. Điều đó cũng có nghĩa là, dù có đào thoát được thì khi “ra khơi” sức lực để hội nhập cũng không còn đáng là bao. Sự “bất minh” ở một mức độ nào đó của các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… hiện nay vẫn đặt doanh nghiệp vào những rủi ro vì họ sẽ không thể tiên lượng được nguồn lực cần bỏ ra để duy trì kinh doanh và tích lũy để phát triển.

Đương nhiên khi đó, những doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ khó mà sẵn lòng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi với những gì đã đề cập thì sản xuất, kinh doanh mở rộng cũng đồng nghĩa với tăng rủi ro và chi phí tuân thủ. Dù định hướng sửa Luật Lao động có đề cập đến nới rộng khung giờ làm thêm hay tổ chức công đoàn của người lao động, nhưng ở chừng mực nào đó, vẫn có sự níu giữ từ quá khứ của một thể chế mà yêu cầu chuyển mình, đổi mới đang là cấp thiết.

Thế mới biết, ký kết được các FTA là một chuyện. Nhưng đó chưa phải là chuyện lớn nhất.

Nguồn: Báo Lao động Nghệ An