Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 cho thấy, vốn góp, mua cổ phần gia tăng mạnh mẽ, vượt vốn đầu tư đăng ký mới hay điều chỉnh mở rộng. Điều này chứng tỏ thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn, tuy giá trị giao dịch chưa cao.

Vốn góp, mua cổ phần tăng 98,1%

Theo Cục ĐTNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cả nước có tới 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. Riêng các nhà đầu tư Trung Quốc có 1.066 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn góp, mua cổ phần là 4,706 tỷ USD.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, xu hướng gia tăng góp vốn, mua cổ phần hay M&A đã diễn ra trong vài năm trở lại đây. Năm 2017 đạt 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. Tiếp đó, năm 2018 đạt 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, kể cả không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Thắng dự báo, M&A tiếp tục là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là đối với các quốc gia có độ mở thị trường lớn như Việt Nam, có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hấp dẫn như CPTPP, EVFTA...

Tuy vậy, Báo cáo nghiên cứu thị trường Đông Nam Á quý I/2019 của Mergermarket cho thấy, quy mô giá trị giao dịch M&A được công khai tại Đông Nam Á đạt 21,2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chỉ có 10 thương vụ, đạt 265 triệu USD. Điều này cho thấy, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xu hướng M&A. 

Đẩy mạnh thu hút nhưng phải kiểm soát tốt

Hiện có không ít nhà ĐTNN bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng như Tập đoàn J Trust (Nhật Bản), Tập đoàn Clermont (Singapore)... thông qua quá trình tái cơ cấu một số ngân hàng.

Mặc dù không chủ trương cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng có 100% vốn ĐTNN, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến khích các nhà ĐTNN mua lại, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém.

Nhận thấy tín hiệu tích cực của dòng vốn ngoại, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất với Chính phủ về việc nới “room” cho các nhà ĐTNN thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại các DN hàng không nội từ 30% vốn điều lệ lên mức tối đa là 49%.

M&A còn xuất phát từ nhu cầu nội tại của các DN Việt Nam. Chia sẻ tại một cuộc hội thảo được tổ chức vào cuối tháng 6/2019, ông Phạm Văn Thể - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà không ngần ngại đánh tiếng về ý định chuyển nhượng bớt tài sản DN. “Sau một quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy, càng mở rộng quy mô DN bao nhiêu thì lượng vốn đầu tư càng tăng lên bấy nhiêu, nảy sinh nhiều vấn đề vượt quá sức quản lý. Trong đó phải kể đến sức ép hoàn trả vốn vay ngân hàng, đối tác... Do đó, chúng tôi chỉ giữ lại một số lĩnh vực cốt lõi”, ông Thể giãi bày nguyên nhân.

Tuy nhiên, để một cuộc M&A thành công không hề đơn giản, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như minh bạch thông tin, định giá chính xác DN... Bài học là thương vụ Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore ngỏ ý muốn mua lại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) nhưng rốt cuộc bất thành vì các bên không có tiếng nói chung về vấn đề định giá.

Hiện nay, điều khiến nhiều chuyên gia quan ngại chính là không ít thương vụ M&A không được công khai, hoặc nhà ĐTNN tìm cách né luật, dòng vốn kém chất lượng...

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, chỉ có các dự án có tỷ lệ vốn nước ngoài từ 51% trở lên mới phải thực hiện thủ tục chứng nhận ĐTNN. Mặc dù nhiều dự án có quy mô lớn, nhưng nhà ĐTNN chỉ giữ tỷ lệ vốn góp ngấp nghé biên hạn, tức là dưới 51%. Do đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biện pháp khắc phục “kẽ hở” này khi sửa Luật Đầu tư và Luật DN trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Đấu thầu