Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho Việt Nam. Trong năm 2020, xuất khẩu thủy sản đã và đang hướng tới kim ngạch 8-9 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện có không ít rào cản đổi với sự phát triển và tăng trưởng bền vững cho ngành thủy sản trong thời gian tới.

Nhiều thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng

Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam ngày càng chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế, mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã đến được với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, song nhiều mặt hàng thủy sản vẫn tìm được chỗ đứng riêng cho mình và duy trì tốc độ tăng trưởng. Điển hình là mặt hàng tôm, với kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 1,17 tỷ USD, giữ vị trí số 1 trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu (chiếm 39% tỷ trọng). Cá tra, basa, nhờ liên tục mở rộng thị trường nên xuất khẩu cá tra vẫn tăng 2,7% đạt 894 triệu USD so cùng kỳ, giữ vị trí thứ 2, (chiếm 29,7% tỷ trọng). Bứt phá mạnh nhất là cá ngừ, xuất khẩu tăng trưởng mạnh với gần 76% về giá trị đạt gần 200 triệu USD, đứng thứ 3, tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch XK thủy sản tăng từ 4,3% lên 6,6%.

Đối với thị trường xuất khẩu, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các nước Mỹ, EU , Nhật Bản… Ngoài ra, còn một số thị trường khác cũng rất quan trọng như Hàn Quốc, Nga, Trung Đông đang trở thành những thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.

Theo dự báo trong năm 2010 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2010 nhiều khả năng sẽ đạt mức 4,74 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được con số này vẫn còn nhiều khó khăn bởi thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa đưa về mức 0%. Bên cạnh đó, xuất khẩu thuỷ sản năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm... 

Do vậy, ngay từ đầu năm, ngành thủy sản đã tập trung vào tổ chức lại sản xuất, thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, mở rộng các thị trường lớn EU, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Xuất khẩu thuỷ sản hướng tới kim ngạch 8-9 tỷ USD

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 8-9 tỷ USD vào năm 2020 là mục tiêu trong chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 kinh tế thủy sản chiếm 30-35% GDP trong khối nông-lâm-ngư nghiệp; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD; tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng; tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay, trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Đồng thời, xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng. 

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 cũng định hướng phát triển trên 4 lĩnh vực: khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, cơ khí và dịch vụ hậu cần nghề cá và 5 vùng gồm: vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; tiếp tục đầu tư xây dựng các cở sở sản xuất giống hải sản tại các tỉnh Nam Trung bộ để đến năm 2020 Nam Trung bộ trở thành trung tâm sản xuất giống hải sản tập trung lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tám nhấn mạnh: Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, chiến lược mang tính định hướng và là cơ sở nhằm phát triển thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong kinh tế quốc tế. 

Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Chu Tiến Vĩnh, để đạt được các mục tiêu trên, ngành thủy sản sẽ tập trung vào tổ chức lại sản xuất như: tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm; trong tâm là khai thác biển, nuôi tôm nước lợ, cá tra, basa... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người tiêu; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường truyền thống…

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử