Về vụ kiện tôm của Việt Nam với Hoa Kỳ ra WTO, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đã khẳng định như vậy.

Thưa ông, từ ngày 20/10, Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu xét xử vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ vì áp dụng các biện pháp chống phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu của Việt Nam . Theo thông lệ quốc tế, vụ kiện này sẽ kéo dài trong bao lâu?

Theo diễn tiến vụ việc, từ ngày 1/2/2010, Việt Nam chính thức gửi yêu cầu tham vấn tới Hoa Kỳ liên quan đến thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với tôm nước ấm đông lạnh của VN.

Yêu cầu tham vấn liên quan tới phương pháp quy về 0 (zeroing) sử dụng trong tính toán biên độ phá giá và các quy định, phương pháp và thực thi pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Đến ngày 26/7, cơ cấu của Ban Hội thẩm đã được xác định sau khi Việt Nam có yêu cầu xác định thành phần Ban Hội thẩm tới Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy.

Theo quy định của DSU (Thỏa thuận Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO), sau khi tham khảo ý kiến các bên, Ban Hội thẩm sẽ ấn định thời gian cụ thể để tiến hành các phiên xét xử. Báo cáo chính thức sẽ được hoàn tất chậm nhất là 6 tháng kể từ khi có quyết định thành lập Ban Hội thẩm. 

Là người trực tiếp tham gia chuẩn bị tài liệu và đề xuất Chính phủ  nộp đơn kiện lên WTO, đối với thành viên mới chưa có kinh nghiệm như VN, việc theo vụ kiện sẽ gặp những khó khăn gì và khả năng thắng, thua của Việt Nam  thế nào, thưa ông?

Phương pháp sử dụng zeroing trong điều tra rà soát thuế chống bán phá giá là một thông lệ được Hoa Kỳ sử dụng thường xuyên và ổn định trong nhiều vụ điều tra chống bán phá giá.

Nội dung của phương pháp này là khi tính toán biên độ phá giá chung, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chỉ tính các biên độ phá giá có giá trị dương (lớn hơn 0), biên độ phá giá có giá trị âm sẽ được tự động chuyển về thành 0. Với phương pháp này, biên độ phá giá được tính toán sẽ cao hơn, từ đó, mức thuế chống bán phá giá cũng bị đội lên rất nhiều.

Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây đã kiện Hoa Kỳ ra WTO về vấn đề này (vụ kiện DS294) và EU đã đạt được kết quả khả quan.

Cùng với vụ kiện này, nhiều vụ kiện khác về phương pháp zeroing mà Hoa Kỳ sử dụng trong các điều tra ban đầu (với cùng tính chất) do các nước khác khởi xướng như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng cho kết quả tương tự.

Vì vậy, khả năng Việt Nam thắng kiện sẽ rất lớn bởi mặc dù không bị ràng buộc bởi các quyết định đã có trước đó về vấn đề liên quan, các ban hội thẩm đều xem xét rất kỹ các quyết định liên quan đã có, đặc biệt khi chúng không mâu thuẫn nhau.

Điều này càng ý nghĩa hơn đối với trường hợp kết luận của Cơ quan Phúc thẩm bởi cơ quan này luôn cố gắng duy trì sự ổn định, tiếp nối tương đối trong thành phần và quan điểm của mình giữa các vụ kiện.

Tuy chưa trải qua vụ kiện nào nhưng Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, các vụ này tương đối phổ biến. Hơn nữa, trình tự và các thủ tục trong WTO tương đối công khai và minh bạch nên ta không gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề là phải bám sát các thủ tục tố tụng mà WTO quy định, chuẩn bị báo cáo chu đáo, ý kiến phản bác, lập luận phải chắc chắn, thuyết phục. 

Việt Nam sẽ có lợi ích gì nếu thắng kiện? Theo ông, quá trình xét xử có ảnh hưởng gì đến hoạt động xuất - nhập khẩu của các bên liên quan?

Thắng kiện sẽ giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong diện bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế POR2 bằng 0% và không phải đặt cọc tiền chống bán phá giá lớn, hàng triệu USD tiền đặt cọc cho giai đoạn trước sẽ được trả lại.

Điều này giúp cho tôm Việt Nam cạnh tranh dễ dàng hơn với tôm Thái Lan và Ấn Độ (vốn đã thôi không phải ký quỹ và hưởng thuế thấp do không bị áp dụng zeroing, theo kết quả các vụ kiện của họ trong WTO).

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có thể được thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp bất lợi này không được áp dụng cho hàng hóa Việt Nam.

Do đó, kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam sẽ bớt khắc nghiệt hơn nhiều, mức độ thiệt hại từ các vụ kiện, do đó, sẽ giảm đáng kể.

Thông qua vụ kiện này, chúng ta gửi thông điệp ra thế giới rằng Việt Nam sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở bất kỳ nước nào khác mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử