Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới đem lại đồng thời cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt. Do đó, bản thân mỗi DN cần tăng cường năng lực cạnh tranh về mọi mặt để không “hụt hơi” trước hội nhập. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 30% DN Việt tận dụng được lợi thế từ các FTA mang lại. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Việc tận dụng lợi thế từ các FTA phải nhìn từ nhiều khía cạnh, không chỉ là tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa mà còn là hiệu quả từ việc giảm bớt các rào cản phi thuế quan; từ việc tạo môi trường cạnh tranh với sức ép hợp lý cho các DN trong nước lớn mạnh lên; hay các thay đổi tích cực về thể chế chính sách pháp luật theo hướng thuận lợi, minh bạch và hợp lý hơn...

Con số 30% có lẽ là con số về tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA (mà chính xác là tỷ lệ 39% năm 2018 theo số liệu Bộ Công Thương công bố). Nếu là số liệu về mức tận dụng các cơ hội FTA ở các góc độ khác thì con số chắc sẽ khác hơn nhiều. Cho tới nay, chưa có bất kỳ con số định lượng nào kết quả tận dụng FTA nói chung của Việt Nam. Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn là chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA.

Nguyên nhân của tình trạng này thì phải xem xét ở từng khía cạnh cụ thể, không có nguyên nhân chung chung. Về tỷ lệ tận dụng thuế quan thì nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Ví dụ như chưa nhiều DN biết về các ưu đãi thuế quan theo các FTA. Hoặc có những DN biết ưu đãi đấy, nhưng nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất của họ không đáp ứng được các điều kiện xuất xứ của FTA để hưởng ưu đãi. Cũng có những lý do đáng tiếc hơn, DN biết ưu đãi, cũng có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ, nhưng lại không biết về quy trình để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp ngay từ đầu, hoặc gặp vướng mắc về thủ tục mà không thể được cấp chứng nhận để hưởng ưu đãi.

PV: Việc chưa tận dụng tốt, thậm chí chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA làm gia tăng những khó khăn, thách thức như thế nào cho DN Việt, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Ý kiến này có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng cũng có thể là không đúng trong một số trường hợp khác.

Ví dụ như với các cơ hội về nhập khẩu trong các FTA, nếu tận dụng tốt thì DN có thể được hưởng lợi từ việc có thể mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu giá rẻ hơn, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Mà nếu không tận dụng tốt, năng lực cạnh tranh vẫn vậy, thì việc mở cửa thị trường sẽ khiến DN phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn, phức tạp hơn từ hàng hóa cùng loại từ đối tác FTA nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là trường hợp cơ hội không tận dụng được lại biến thành thách thức.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cơ hội không tận dụng được thì đơn giản là bỏ lỡ, cũng không hẳn là biến thành thách thức. Ví dụ trong xuất khẩu hàng hóa, nếu tận dụng được thì DN được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường đối tác FTA, sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ tốt hơn. Mà nếu không tận dụng được DN vẫn cứ xuất hàng sang đối tác FTA theo thuế bình thường thôi, không có gì thách thức hơn.

PV: Tiến trình hội nhập là xu thế khách quan và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới với việc Việt Nam dự kiến sẽ tham gia, ký kết thêm nhiều FTA. Trước thực trạng trên, theo bà các DN cần phải làm gì để không bị “hụt hơi” và trụ vững trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Bối cảnh hội nhập thời gian tới sẽ không chỉ là việc có thêm nhiều FTA, mà còn là những biến động khó lường từ các xung đột căng thẳng thương mại. Do đó, có cả cơ hội và cũng có thêm nhiều thách thức mới.

Giải pháp cốt lõi để DN trụ vững và xa hơn nữa là phát triển đó là việc tăng cường năng lực cạnh tranh về mọi mặt. Cụ thể là năng lực về quản trị, năng lực sáng tạo, tìm thị trường ngách, năng lực công nghệ, sáng tạo để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tiếp thị, giới thiệu, xây dựng thương hiệu... Ngoài ra còn những giải pháp hỗ trợ rất có ý nghĩa mà DN cần tập trung chú ý, ví dụ vấn đề nắm bắt thông tin (thông tin về các cam kết FTA, các lợi thế và bất lợi từ đó, thông tin về các biến động chính sách thương mại trên thị trường, thông tin về chuyển dịch thị trường...) và khả năng ứng phó trước các biến động.

Về phía Nhà nước, cần có những giải pháp để tạo điều kiện cho DN đi thuận lợi trên “con đường hội nhập”. Tức là Nhà nước cần có các biện pháp thích hợp để giới thiệu cho DN biết các cam kết FTA đó là gì, có ý nghĩa và tác động thế nào. Nhà nước cũng cần có các biện pháp cải cách tối đa các thủ tục hành chính, các quy trình điều kiện liên quan đến DN để DN có thể tận dụng các cơ hội...

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam