Ấn Độ vừa tung đòn thuế trả đũa Mỹ sau khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump gạt ra khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Động thái này mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động và càng gây thêm áp lực cho thương mại toàn cầu vốn đang bị tổn thương bởi cuộc chiến thuế Mỹ-Trung.

Trong thông báo hôm 15-6, Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết sẽ tăng thuế lên mức 7,5% đến 120% nhằm vào 28 mặt hàng Mỹ bắt đầu từ ngày 16-6.

Danh sách các mặt hàng này bao gồm từ hạnh nhân, táo, óc chó, lê... cho đến thép hợp kim, bu-lông, ốc vít, đinh tán... Hạt óc chó bị tăng thuế cao nhất từ mức 30% hiện nay lên đến 120%.

Hiện nay, Ấn Độ là nước nhập khẩu hạnh nhân lớn nhất của Mỹ, chi trả khoảng 543 triệu đô la để mua hơn 50% sản lượng hạnh nhân xuất khẩu của Mỹ trong năm 2018, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu táo lớn thứ hai của Mỹ, mua khoảng 156 triệu đô la vào năm ngoái.

Đòn thuế trả đũa sẽ giúp doanh thu thuế của Ấn Độ tăng thêm khoảng 217-235 triệu đô la, giúp bù đắp thiệt hại do Mỹ áp thuế với các sản phẩm nhôm thép của Ấn Độ vào hồi năm ngoái.

Thương mại song phương Mỹ-Ấn đạt 142 tỉ đô la trong năm 2018, tăng gấp 7 lần so với năm 2001, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích các chính sách bảo hộ của Ấn Độ và gọi nước này là “vua thuế” khi áp thuế nhập khẩu cao đối với nhiều mặt hàng Mỹ, chẳng hạn mức thuế nhập khẩu 50% với mô-tô phân phối lớn của hãng Harley-Davidson.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng đang yêu cầu Delhi bãi bỏ các rào cản hạn chế các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Ấn Độ. Ông chỉ ra rằng Ấn Độ chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 của Mỹ nhưng Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.

Căng thẳng thương mại giữa 2 nước bắt đầu nhen nhóm từ hồi tháng 3 năm ngoái khi Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài bao gồm Ấn Độ ở mức lần lượt 10% và 25%.

Động thái này khiến Ấn Độ nhiều lần cân nhắc các biện pháp trả đũa nhưng cuối cùng hoãn lại cho đến khi giọt nước tràn ly do Tổng thống Trump quyết định gạt Ấn Độ ra khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho các nước kém phát triển bắt đầu từ ngày 5-6, khiến hàng ngàn mặt hàng Ấn Độ bán sang Mỹ mỗi năm với trị giá 6 tỉ đô la Mỹ không còn được miễn thuế nữa.

Trong lúc đó, các nỗ lực gần đây của Ấn Độ nhằm siết chặt quản lý hoạt động công ty thương mại điện tử Flipkart, công ty con của tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) và Amazon tại thị trường đông dân thứ hai thế giới cũng khiến Mỹ tức giận.

Căng thẳng giữa hai nước càng gia tăng xung quanh việc chính quyền Donald Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu của Iran và xúc tiến kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Đòn thuế trả đũa của Ấn Độ nhằm vào hàng hóa Mỹ có thể tác động xấu đến mối quan hệ an ninh và chính trị đang phát triển giữa hai nước. Phát biểu tại một hội nghị hàng năm của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn tại Washington vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại để giải quyết các bất đồng thương mại với Ấn Độ.

Ông Pompeo nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận quyết định gạt bỏ Ấn Độ ra khỏi chương trình GSP”. Ông cũng bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ bãi bỏ các rào chắn thương mại. Ông Pompeo đang lên kế hoạch đến thăm Delhi trong tháng này để gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump dự kiến có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này.

C. Raja Mohan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) cho biết vấn đề hiện nay giữa Mỹ và Ấn Độ là tìm tiếng nói chung. “Nếu là người bi quan, bạn sẽ xem đây là sự khởi đầu cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Ấn nhưng nếu là người lạc quan, bạn sẽ nghĩ rằng đòn thuế trả đũa của Ấn Độ mở ra tiến trình đàm phán nghiêm túc giữa Delhi và Washington về các vấn đề thương mại và một khung hợp tác mới để thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như củng cố quan hệ an ninh giữa hai nước”, ông cho biết.

Ông cho rằng kết quả cuộc trao đổi của ông Pompeo với người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar ở Delhi cũng như cuộc hội đàm giữa ông Modi và ông Trump ở G20 “sẽ nói cho chúng ta biết phe bi quan hay phe lạc quan thắng thế”.

Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế Biswajit Dhar ở Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định bất luận như thế nào, leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ xảy ra.

Biswajit Dhar nói: “Ông Trump muốn tiếp cận thị trường Ấn Độ và ông ấy sẽ không chỉ dừng lại ở quyết định rút Ấn Độ khỏi chương trình GSP. Song tôi thấy vui vì Ấn Độ đã trả đũa vì bấy lâu nay, chính phủ phát đi tín hiệu sai về quy trình ra quyết định. Giờ đây, cả hai bên có thể ngồi lại và nói chuyện như những đối tác ngang hàng”.

Bipul Chatterjee, Giám đốc tổ chức tư vấn CUTS International (Ấn Độ) cũng đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng động thái áp thuế trả đũa của Ấn Độ phát đi thông điệp đến Mỹ rằng “hợp tác thương mại phải được thực hiện dựa trên các điều khoản tốt hơn”.

“Dù tôi không cho rằng động thái này là bước leo thang chiến tranh thương mại nhưng chắc chắn đó là một màn giao chiến nhỏ giúp định hình mối quan hệ thương mại Ấn-Mỹ trong tương lai”, Bipul Chatterjee cho biết thêm.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn