Theo Hannah Anderson - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, các doanh nghiệp đang dịch chuyển chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc khi tranh chấp thương mại đang leo thang chưa có điểm dừng.

Trong một cuộc thăm dò do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và đối tác tại Thượng Hải công bố vào tháng 5, khoảng 40% trong số 250 công ty được khảo sát cho biết, họ đang xem xét hoặc đã chuyển các cơ sở sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Trong một khảo sát tương tự của AmCham hồi tháng 9 năm ngoái, chỉ 30% doanh nghiệp cho biết, họ đang xem xét di dời một phần. Tuy nhiên, việc di dời sản xuất này không phải tất cả đều do cuộc chiến thương mại.

Thực ra, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc do nguyên nhân chi phí nhân công ngày càng đắt diễn ra từ rất lâu, trước khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc. Tiền lương tối thiểu mỗi giờ tại các trung tâm, nhà máy lớn của tỉnh Quảng Đông đã tăng từ 4,12 NDT năm 2008 lên 14,4 NDT vào năm ngoái. Các nhà sản xuất, đặc biệt là những công ty có giá trị gia tăng thấp như các nhà máy dệt, đã tìm kiếm lao động rẻ hơn ở các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc mất đi những ngành sản xuất chi phí thấp sẽ buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải thay đổi nhằm hướng đến sản xuất có giá trị gia tăng cao. Do đó, chính quyền Bắc Kinh coi đây là cái giá chấp nhận được.

Hầu hết các nhà sản xuất không đơn giản sẽ rời bỏ Trung Quốc. Theo Jon Cowley - chuyên gia về luật thương mại tại Baker McKenzie có trụ sở tại Hồng Kông, nhiều công ty đang tìm cách dịch chuyển các hoạt động "sản xuất làm nên xuất xứ hàng hóa" ra bên ngoài Trung Quốc, thay vì dịch chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của họ. Điều đó có nghĩa, các linh kiện sẽ được sản xuất tại Trung Quốc và sau đó chuyển đến một quốc gia khác để trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể, trở thành sản phẩm hoàn chỉnh từ một quốc gia xuất xứ mới. Đây có thể là một chiến thuật giúp các nhà sản xuất tránh thuế, thay vì từ bỏ các chuỗi cung ứng hiện tại. Kỹ thuật này có thêm lợi ích là cho phép các công ty duy trì chỗ đứng tại Trung Quốc, đây là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc phát triển, sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Đó là một thứ gì đó mà cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không làm thay đổi về cơ bản. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại sẽ đẩy nhanh quá trình balkan hóa chuỗi cung ứng. Đó có thể không phải là một điều xấu. Chi phí sẽ tăng lên, nhưng nguy cơ thất bại từ một cuộc chiến thương mại khác sẽ giảm xuống.

Như vậy, nguyên nhân của việc các nhà sản xuất xem xét rời khỏi Trung Quốc không phải tất cả đều do cuộc chiến thương mại đang xảy ra và nhà sản xuất cũng không chuyển hết hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Câu chuyện đáng quan ngại hơn là nguy cơ của việc lẩn tránh thuế và "rửa" xuất xứ hàng hóa để hàng hóa Trung Quốc vẫn xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng với thuế quan thấp hơn, thông qua xuất xứ của một nước thứ ba. Vấn đề này đã ngày càng trở nên nổi cộm, nhất là khi các mức thuế của Mỹ áp đặt với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay từ năm ngoái, các nhà chức trách của Liên minh châu Âu đã tiến hành điều tra những vụ lừa đảo thuế trên diện rộng có thể xảy ra bởi các lô hàng nhập khẩu Trung Quốc thông qua cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus - cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và châu Âu. Các nhóm hàng hóa nhập khẩu thường là quần áo và giày dép. Ở Trung Quốc, một số công ty môi giới công khai quảng cáo dịch vụ ngụy trang nguồn gốc thực sự của các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất bằng cách chuyển chúng đến một quốc gia khác.

Vận chuyển hàng hóa đến một quốc gia khác trước khi xuất khẩu sản phẩm cuối cùng tới nước nhập khẩu, gọi là trung chuyển, là một phần điển hình của thương mại, nhưng nếu ngụy trang mục đích thực sự của việc vận chuyển hàng hóa là lẩn tránh thuế quan, thì đó được coi là bất hợp pháp. Ví dụ, Công ty Settle Logistics của Trung Quốc đã công khai thông tin hoạt động có thể giúp các công ty trốn thuế nhập khẩu bằng cách chuyển hàng hóa sang Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia và Ấn Độ. Cách thức thực hiện là đăng ký các công ty con, đại diện và nhà máy ở Malaysia, nơi sẽ cho phép khách hàng của mình nhận được chứng nhận xuất xứ chính thức và do đó, vượt qua bất kỳ việc kiểm tra thông quan hàng hóa… Các công ty Trung Quốc coi phương pháp trung chuyển là một trong những cách tốt nhất để lẩn tránh thuế quan cao và hạn chế nhập khẩu.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã từng bị cáo buộc vận chuyển thép sang Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng với thép nhập khẩu của Trung Quốc, do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt vào năm 2015 - 2016 và đã có hành động sau khi phát hiện chính quyền Trung Quốc dành trợ cấp không hợp lý đối với sản phẩm thép. Công ty nghiên cứu IHG Markit giải thích, các phương pháp tránh thuế quan của Trung Quốc, trong đó, hàng hóa trung chuyển được chuyển đổi tối thiểu và được dán nhãn xuất xứ mới và đôi khi, hàng hóa được lưu trữ trong kho cảng trước khi được chuyển đến nơi cuối cùng. Trung Quốc đã vận chuyển thép đến Việt Nam, được tráng với kẽm và các sản phẩm khác trước khi được vận chuyển đến Mỹ. Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Việt Nam tăng cùng thời điểm xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ tăng: Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng từ 3,2 tỷ kg (khoảng 3,5 triệu tấn) trong năm 2013 lên 6,7 tỷ kg (khoảng 7,4 triệu tấn) năm 2017, trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 13,3 triệu kg (khoảng 14.660 tấn) lên 516,4 triệu kg (khoảng 569.000 tấn) trong cùng kỳ. Tháng 12/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với thép Việt Nam, với lý do phát hiện rằng thép có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã lẩn tránh thuế quan Mỹ.

Một ví dụ tương tự khác, khi các chuyên gia về mật ong tại Đại học Texas A & M đã phát hiện ra rằng một lượng lớn mật ong được bán ở Mỹ thực sự có nguồn gốc từ Trung Quốc, mặc dù các nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ mật ong ở các nước khác. Mỹ đã áp đặt mức thuế cao đối với mật ong Trung Quốc do bán phá giá, làm cho mật ong Trung Quốc quá đắt để nhập khẩu. Vì vậy, một giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện là bán qua các nước khác trước khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Nguồn: Báo Công thương