Giới chức Mỹ và Nhật Bản ngày 11-6 tiếp tục cuộc thảo luận 2 ngày tại thủ đô Washington nhằm “dọn đường” cho cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer diễn ra vào ngày 13-6. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước. 

Lợi ích thương mại 

Dự kiến, hai bên sẽ tập trung vào những yêu cầu liên quan tới đề nghị dỡ bỏ thuế nhằm vào các sản phẩm nông sản và ôtô. Trong các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ đã thúc giục Nhật Bản cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ càng sớm càng tốt. Đáp lại, Tokyo cho biết nước này sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ xuống bằng mức thuế áp dụng trong hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với điều kiện Washington dỡ bỏ thuế đối với tất cả sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả mức thuế 2,5% đánh vào mặt hàng ô tô của Nhật Bản. 

Trước đó, ngày 9-6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và người đồng cấp bên phía Mỹ Steven Mnuchin cũng đã gặp nhau bên lề hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản. 

Không chỉ có Mỹ mong muốn đẩy nhanh các thỏa thuận với Nhật để nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại. Phát biểu với hãng tin Kyodo ở London trước thềm G20 ngày 7-6, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox bày tỏ hy vọng xây dựng thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Nhật Bản dựa trên hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và EU (EPA), sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit. Bộ trưởng Fox cũng tái khẳng định quan điểm của Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vai trò trung gian 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình tại Iran. Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ thăm Iran từ ngày 12 đến 14-6 tới. Đây là chuyến thăm Iran đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm trong hơn 4 thập niên qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang. Theo giới phân tích, trong khi Mỹ đang leo thang về cả chính trị và thương mại với các cường quốc như Trung Quốc, Nga hay Iran, thì vai trò của Nhật Bản đang được trông đợi. 

Các chuyên gia ngoại giao cũng đánh giá cao vai trò hiện nay của Thủ tướng Abe khi ông vừa có quan hệ mật thiết với Tổng thống Mỹ Trump, vừa có mối quan hệ hữu nghị với Iran. Theo ông Toshihiro Nakayama nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho rằng Thủ tướng Abe đang nỗ lực đóng vai trò sứ giả và giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Năm 2019 là năm hai nước kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh an ninh, còn Iran là nguồn nhập khẩu dầu của Nhật Bản.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour nhận định: “Chuyến thăm của Ngài Abe diễn ra ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Nhật Bản, vì thế người Mỹ muốn sử dụng kênh ngoại giao này”. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã hoan nghênh sự trợ giúp của Thủ tướng Abe trong việc giải quyết vấn đề với Iran. Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ thân thiết với Iran. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khó có thể kỳ vọng vào kết quả rõ rệt từ chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Iran. Ngay bây giờ, trọng tâm là giảm thiểu xung đột quân sự, có nghĩa là Thủ tướng Abe có thể tận dụng ngoại giao con thoi để duy trì liên lạc. Chỉ riêng ngoại giao con thoi có thể đủ để giảm leo thang căng thẳng.

Nguồn: Báo Sài Gòn đầu tư