Trước thực tế các thị trường truyền thống đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga là hướng đi mới, giúp các doanh nghiệp Việt gia tăng kim ngạch trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga đạt khoảng 100 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2019, song xuất khẩu của Việt Nam vào nước này chỉ đạt hơn 580 triệu USD (tăng 11% so với cùng kỳ). Như vậy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga.

Điều này cho thấy, tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu vào Nga vẫn còn rất lớn, nhất là kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á -  Âu có hiệu lực, mức thuế quan xuất khẩu nhiều mặt hàng về 0%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nga cũng đang có nhu cầu lớn về các mặt hàng của Việt Nam.

Ông Robert Kurilo - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga tại Việt Nam nhận định, tiềm năng của hai nước rất lớn nhưng vẫn chưa được hai thác hết. Thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trên thực tế thị trường Nga hiện có nhu cầu tiêu thụ rất nhiều sản phẩm từ dệt may, da giày cho tới hàng nông sản... Chẳng hạn, với mặt hàng nông thủy sản, người Nga hiện tiêu thụ tương đối nhiều các sản phẩm cá tra, tôm và các loại nông sản của Việt Nam. Hay với trái cây, ông Dmirtriy Makarov, Đại diện Cơ quan đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam - Chi nhánh Hồ Chí Minh chia sẻ: "Người Nga rất thích xoài và nước này đã nhập khẩu trái cây tăng vọt trong năm 2018. Tuy nhiên nếu so sánh với các loại xoài mà Nga đang nhập tại các nước khác thì xoài Việt Nam thơm ngon hơn nhiều. Vì thế các nhà sản xuất, công ty của Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu xoài vào Nga".

Còn theo ông Đào Thanh Lưu, Giám đốc Công ty Vân Thịnh Phú: Các đối tác Nga rất tích cực trong việc thúc đẩy thương mại 2 bên, họ đã gặp gỡ, chào mẫu và giúp đỡ Vân Thịnh Phú rất nhiều trong việc phát triển các sản phẩm thực phẩm như hạt, bánh kẹo, sữa, socola…

Mặc dù là thị trường khá tiềm năng song việc tiếp cận người tiêu dùng nước này của các doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế. Thậm chí các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, thủy sản lại đang có dấu hiệu giảm tốc trong thời gian qua. Nguyên nhân được ông Dmirtriy Makarov chỉ ra, là do Nga đang áp dụng những biện pháp phòng vệ theo ngưỡng mà Ủy ban Liên minh kinh tế Á - Âu thông qua đối với hàng dệt may của Việt Nam. Còn với thủy sản, giá thủy sản Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á, trước hết là của Thái Lan.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nga, điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa tốt trong dài hạn và khi giao dịch nên lưu ý tới thanh toán. Để đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga lên 10 tỷ USD vào năm 2020, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, tăng cường thúc đẩy, tận dụng tốt hơn nữa lợi thế mà FTA mang lại; đồng thời dự báo những rào cản thương mại có thể xuất hiện để thông tin cho các doanh nghiệp giúp họ có hướng tiếp cận hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, muốn hàng hóa có chỗ đứng tại thị trường Nga thì trước tiên sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí sạch. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải luôn cải tiến về bao bì, mẫu mã, thiết kế lại tem, thay đổi ngôn ngữ làm sao để khách hàng tại thị trường này có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ về sản phẩm.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp