Trao đổi với báo chí, bà Ann Linde - Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển - cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam và Thụy Điển tiến xa hơn trong hợp tác thương mại và đầu tư.

Việt Nam và Thụy Điển đã có 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bà đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước?

Quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển rất tích cực. Kim ngạch thương mại liên tục tăng; nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đã đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động tại đây. Tôi nghĩ rằng, đây chính là thời điểm để chúng ta tiến xa hơn trong mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư.

Thụy Điển là một trong những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất trên thế giới. Trên thực tế, chúng tôi chỉ đứng thứ 2 sau thung lũng Silicon khi xét về nơi quy tụ các doanh nghiệp startup với trị giá 50 tỷ USD. Và tôi biết rằng, Việt Nam vẫn chưa thực sự làm tốt trong vấn đề này. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam để phát triển công nghiệp cũng như phát triển nền kinh tế theo hướng tốt hơn.

Thụy Điển là một trong những nước có thể mạnh về phát triển bền vững. Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Thụy Điển trong lĩnh vực này?

Thời gian gần đây, chúng ta hay bàn luận tới nền kinh tế tuần hoàn. Đó là vấn đề quản lý rác thải, các giải pháp kỹ thuật để có thể tạo ra năng lượng từ các chất thải. Điều đó đồng nghĩa với sự bền vững và tiết kiệm. Thụy Điển đã làm rất tốt điều này. Đó cũng chính là một trong những kinh nghiệm mà chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam.

Chúng tôi chú trọng đến việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, chương trình nghị sự 2030. Năm ngoái, chúng tôi đã đưa ra các đạo luật khí hậu nghiêm khắc nhất thế giới. Và giờ đây chúng tôi có các quy tắc tương tự cho đạo luật khí hậu và đạo luật tài chính. Chúng tôi đang lên chương trình, kế hoạch hành động trong tất cả các lĩnh vực.

Theo bà, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ đóng vai trò như thế nào trong quan hệ thương mại giữa hai nước?

Chắc chắn hiệp định này sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Có thể thấy rằng, tất cả các quốc gia khi đã ký kết FTA với EU đều có sự gia tăng về kim ngạch xuất, nhập khẩu. Ví dụ, khi EU ký FTA với Hàn Quốc, xuất khẩu của Thụy Điển sang thị trường này đã tăng trưởng bứt phá với tốc độ 70% nhờ vào việc cắt giảm thuế quan và các trở ngại khác.

Tuy nhiên, với EVFTA thì cả phía EU và Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Cụ thể, Việt Nam cần ký kết Công ước Lao động Quốc tế ILO. Đó là điều cần thiết để FTA giữa hai bên có thể được ký kết. Chúng tôi cũng phải có các cuộc thảo luận và quyết định ở Nghị viện châu Âu trước khi được đưa vào thực tiễn.

Tuy nhiên tôi không thấy có bất kỳ khó khăn hay trở ngại lớn nào. Tôi tin rằng Hiệp định này có thể được thực thi trong thời gian tới đây.

Vậy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có sự hấp dẫn như thế nào đối với các doanh nghiệp Thụy Điển, thưa bà?

Ngày nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, là những người tiêu dùng tiềm năng và các doanh nghiệp lạc quan nhất thế giới. Với những cam kết đối với thương mại toàn cầu thông qua nhiều FTA, bao gồm cả EVFTA theo dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020, Việt Nam là thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai. Việt Nam còn có một hệ sinh thái kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại mong muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Thụy Điển rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên cũng có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, các vấn đề về phát triển bền vững là điều vô cùng quan trọng. Và như tôi đã đề cập, cũng cần có các cuộc đối thoại xã hội giữa giới quản lý và các tổ chức công đoàn để có một môi trường kinh doanh tốt.

Với vai trò là Bộ trưởng Ngoại thương, bà có thể cho biết Việt Nam và Thụy Điển cần làm gì để khai thác tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai nước, giúp mối quan hệ thương mại và đầu tư trở nên thiết thực và hiệu quả hơn nữa?

Điều quan trọng là chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa người dân, doanh nghiệp hai nước, cũng như ở cấp độ lĩnh vực công, hay hợp tác về giáo dục nghiên cứu.

Tôi rất vui mừng khi thấy một trong những trường đại học nổi tiếng của Thụy Điển là Uppsala cũng có văn phòng tại Hà Nội. Hơn thế nữa, tại Thụy Điển hiện cũng có hàng trăm sinh viên Việt Nam đang theo học đại học. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa khi hầu hết các trường đại học tại Thụy Điển đều giảng dạy bằng tiếng Anh.

Năm ngoái đã có hơn 50.000 lượt khách du lịch của Thụy Điển tới Việt Nam. Tôi cho rằng, nhiều người Thụy Điển thích tới Việt Nam không chỉ vì ấn tượng với vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây, mà còn vì lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công thương