Lợi thế và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là điều không thể phủ nhận, nhưng để tận dụng và khai thác hiệu quả là không dễ dàng với các doanh nghiệp Việt.

Thiếu Mỹ, CPTPP có còn hấp dẫn?

Các điều khoản của CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam và các quốc gia phê chuẩn từ đầu năm 2019 (Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore). Điều này đồng nghĩa với việc các hàng rào thuế quan đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đã, đang và sẽ từng bước được gỡ bỏ, mở ra cơ hội lớn hơn cho các mặt hàng chủ lực của nước ta vào các thị trường tiềm năng như Canada, Úc, Nhật...

Tuy nhiên, tác động của sự kích thích tăng trưởng này sẽ không cao như khi còn Mỹ tham gia (TPP-12). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng, CPTPP dự kiến thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 1,1%/năm, tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu thêm 4,2%/năm và 5,3%/năm, thấp hơn đáng kể so với thỏa thuận TPP-12 lần lượt ở các mức 3,6%/năm, 19,1%/năm và 21,7%/năm.

Để giải thích cho sự chênh lệch này, cần nhìn vào cơ cấu thương mại giữa Việt Nam, khối CPTPP và Mỹ. Về xuất khẩu, chỉ riêng giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ của Việt Nam đã lớn hơn tất cả các nước CPTPP cộng lại, trong khi chúng ta chỉ nhập khẩu giá trị hàng hóa từ Mỹ bằng 1/3 so với khối CPTPP.

Ở một góc nhìn rộng hơn, cán cân về tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khối CPTPP là khá cân bằng (cùng chiếm 16% kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân dương khoảng 1 tỷ USD), trong khi tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ là 19% xuất khẩu và 4% nhập khẩu, tương đương cán cân thương mại thăng dư trên 30 tỷ USD. 

EVFTA sẽ nâng tầm thương mại Việt Nam - EU?

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (tỷ trọng kim ngạch là 18%, chỉ sau Mỹ với 19%). Cán cân thương mại giữa Việt Nam và EU hiện thặng dư khoảng 26 tỷ USD mỗi năm, đóng góp rất lớn vào xuất siêu của Việt Nam hàng năm. Xuất khẩu sang EU hiện chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này chỉ chiếm 6%.

Cho dù đang là đối tác xuất khẩu lớn, nhưng tỷ trọng giá trị hàng hóa Việt Nam ở EU còn thấp, chủ yếu do các mặt hàng xuất đi hầu hết là hàng giá trị không cao (nông - thủy sản, dệt may và gia công da giầy).

Đáng chú ý, Việt Nam là nước thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) kết thúc đàm phán FTA với EU. Việc sớm đưa EVFTA vào thực tiễn tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam so với các đối tác khác trong khu vực trong 5-10 năm tới khi được hưởng mức thuế suất ưu đãi hoặc bằng 0. Việc được xóa bỏ biểu thuế nhập khẩu sẽ khiến sức cạnh tranh về giá của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Về xuất khẩu, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn máy móc, thiết bị và công nghệ cao từ các nền công nghiệp hàng đầu thế giới trong khối EU, qua đó nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu. Báo cáo của Phòng Thương mại EU (Eurocham) cho thấy, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 0,5%/năm từ EVFTA, trong đó xuất khẩu dự tính sẽ tăng từ 4-6%/năm. 

Con đường không toàn màu hồng

Để nhận được những cam kết về dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, Việt Nam đương nhiên sẽ phải chấp nhận một cuộc chơi khắc nghiệt hơn, đúng với tiêu chuẩn và quy tắc hành xử thương mại quốc tế. Các ưu đãi và biện pháp bảo hộ của Việt Nam cũng sẽ phải từng bước được xóa bỏ. Mặt khác, ngay cả khi đã ký kết hiệp định, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tới từ chính những thay đổi nội tại. Hiện tại, 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới các nước thành viên CPTPP và EU là thủy sản và dệt may. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước ở cả 2 ngành mũi nhọn này đều đang vướng những rào cản.

Với ngành thủy sản, những yêu cầu về chất lượng xuất xứ tại các thị trường khó tính như Nhật, Canada hay EU là rất cao, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản Việt vẫn chưa hoàn toàn hiện đại hóa. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chưa thể tự chủ hoàn toàn nguồn cung, mà vẫn phải thu mua từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, dẫn tới chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Thêm vào đó, các quy tắc về nguồn gốc sản phẩm tại EU vô cùng chặt chẽ, trong khi Việt Nam lại chưa quản lý đầu vào cho thủy sản khai thác, dẫn tới việc EU áp “thẻ vàng” cho thủy sản khai thác có xuất xứ Việt Nam. Điều này khiến toàn bộ các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất sang EU phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, gây tốn kém chi phí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra hàng loạt quy định về hạn ngạch khai thác, kiểm soát phương tiện, cũng như kiểm soát hải sản cập cảng, nhưng kết quả của các biện pháp này vẫn cần được phía EU xác nhận bằng cuộc kiểm tra định kỳ, dự kiến diễn ra trong tháng 5 này hoặc tháng 6 tới.

Câu chuyện của ngành dệt may thậm chí còn khó khăn hơn. Trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn tập trung vào khâu may gia công - là công đoạn thâm dụng lao động, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sản xuất bông và polyester, đặc biệt là khâu dệt nhuộm, vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dệt may nếu muốn tận dụng lợi thế từ các FTA, trong bối cảnh quy tắc xuất sứ “từ sợi trở đi” được áp dụng chặt chẽ bởi cả CPTPP, EVFTA và các đối tác nhập khẩu vải chính của Việt Nam (Trung Quốc và Đài Loan) đều không phải thành viên của 2 khối này.

Trước những thách thức trên, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra giải pháp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản nuôi trồng, 2 doanh nghiệp đầu ngành Minh Phú, Vĩnh Hoàn đều cho biết, đã và đang tiến hành chuyển giao việc áp dụng công nghệ nuôi mới cho nông dân, tiến hành bao tiêu đầu ra nhằm chuẩn hóa chất lượng nguyên liệu đầu vào. Theo đại diện Minh Phú, cách thức này vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về chất lượng nguyên liệu, vừa giúp người nông dân tiếp cận công nghệ mới mà không phải đầu tư quá nhiều...

Đối với ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng ở các khâu dệt nhuộm và thiết kế, đơn cử là trường hợp An Phát Holdings ký kết với Tập đoàn Dầu khí (PVN) để tham gia dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex Đình Vũ). Việc một doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý và vận hành dự án từng thua lỗ lớn này cho thấy tiềm năng của ngành xơ sợi tại Việt Nam, với mục tiêu đón đầu các FTA. Hay nhiều doanh nghiệp thời trang Việt Nam như Canifa, May Thái Nguyên, May Việt Tiến… đã và đang nỗ lực chủ động ở tất cả các khâu, từ nguồn nguyên liệu đến thiết kế và phân phối sản phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng doanh thu...

Lợi thế và cơ hội từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là điều không thể phủ nhận, nhưng liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và khai thác hiệu quả hay không là câu hỏi không dễ trả lời trong "ngày một, ngày hai".

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán