Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể đang gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ khi giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên nhưng nếu cuộc đối đầu này kéo dài, Trung Quốc mới là bên chịu thiệt hại nặng hơn.

Giáo sư kinh tế Tyler Cowen ở Đại học George Mason (Mỹ) nhận định, khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tạm thời dừng lại, có khả năng Mỹ sẽ tung ra thêm các đòn thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc để gia tăng sức ép với Bắc Kinh.

Theo ông, hiện nay có một lập luận đáng chú ý được sử dụng để chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, là người tiêu dùng Mỹ đang trở thành “bên thua cuộc” trong cuộc chiến thuế này vì có đến 250 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc bị áp thuế ở Mỹ; trong khi đó, Bắc Kinh chỉ áp thuế đáp trả nhằm vào 110 tỉ đô la hàng hóa Mỹ.

Khi hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế đến 25%, các nhà xuất khẩu Trung Quốc buộc phải chuyển chi phí thuế sang cho các nhà nhập khẩu Mỹ và người cuối cùng hứng chi phí này sẽ là người tiêu dùng Mỹ vì các công ty Mỹ phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí thuế.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại kéo dài, Trung Quốc sẽ ở vị trí bị tổn thương lớn hơn. Có nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng chỉ ra rằng các đòn thuế gần đây của Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều sản phẩm tăng giá ở Mỹ và người tiêu dùng lãnh đủ. Vấn đề là các nghiên cứu này đã thẩm định đầy đủ các biến số liên quan trong dài hạn hay chưa?

Để hình dung cụ thể, hãy xem xét tác động các mức thuế của Mỹ áp vào các nguyên liệu sản xuất mà Mỹ đang mua từ Trung Quốc. Dễ dàng nhận thấy rằng chi phí cao hơn từ chuỗi cung ứng trực tiếp của các doanh nghiệp của Mỹ sẽ dẫn đến mức giá bán của các sản phẩm tới tay người tiêu dùng Mỹ cao hơn và đó chính là luận điểm mà các nghiên cứu gần đây đề cập đến.

Song hãy lưu ý rằng Trung Quốc sẽ không cung ứng các nguyên liệu này mãi mãi, đặc biệt là khi cuộc chiến thuế kéo dài. Trong vòng vài năm tới, các nước khác, chẳng hạn Việt Nam, sẽ cung cấp cho thị trường Mỹ các nguyên liệu, sản phẩm giống như những gì Trung Quốc đang bán sang Mỹ nhưng với giá bán có thể rẻ hơn vì Việt Nam có chi phí nhân công thấp hơn.

Chưa có thẩm định cụ thể nào về các tổn thất dài hạn cho mỗi bên nếu chiến tranh thương mại vẫn chưa thể dừng lại trong những năm tới. Song có khả năng cao Trung Quốc sẽ là bên gánh thiệt hại lớn hơn, chứ không phải Mỹ.

Một rủi ro cho Trung Quốc nữa là khi việc tiếp cận thị trường Mỹ trở nên khó khăn hơn, Trung Quốc có thể phải chuyển hướng sang thị trường châu Âu. Vẫn chưa thể biết liệu Liên minh châu Âu (EU) có áp đặt thêm các biện pháp bảo hộ hàng hóa của họ để chống lại sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc hay không nhưng Bắc Kinh không thể loại trừ khả năng đó.

Theo Giáo sư Tyler Cowen, tác động của cuộc chiến thuế có thể được cảm nhận theo hai cách. Tại các thị trường có tính cạnh tranh cao như Mỹ, giá cả hàng hóa thường không chênh lệch nhiều với giá thành của chúng, vì vậy tăng thuế có thể khiến giá thành sản phẩm tăng và điều này dẫn đến giá bán sản phẩm tăng theo.

Song đối với các mặt hàng có thương hiệu và lợi nhuận cao, các tính toán kinh tế sẽ khác. Chẳng hạn, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với thương hiệu xe Mercedes-Benz, giá bán của những chiếc xe này vẫn cao hơn nhiều so với giá thành của chúng. Để giữ thị phần, Mercedes-Benz có thể quyết định gánh một phần chi phí thuế này bằng cách chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn, thay vì chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng.

Trung Quốc cũng có những thương hiệu nổi trội đang muốn nâng cao chuỗi giá trị và bán hàng hóa cao cấp của họ cho người Mỹ. Thực tế, Trung Quốc đang có chính sách trợ cấp công nghiệp với mục tiêu giúp hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Các đòn thuế của Mỹ sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty này và cản trở họ đạt được các lợi thế cạnh tranh nhờ mở rộng quy mô. Vậy nên các đòn thuế phủ đầu của Mỹ sẽ gây tổn thương lớn cho nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn dù các con số hiện nay chưa thể hiện nhiều sự tổn thương đó.

Giáo sư Tyler Cowen nhận định, một thỏa thuận thương mại với Mỹ, dù khiến Trung Quốc phải chấp nhận nhiều nhượng bộ, sẽ chứng thực rằng Trung Quốc là nơi mà các công ty nước ngoài có thể đầu tư và được bảo vệ trước nạn ăn cắp bản quyền tài sản sở hữu trí tuệ và tình trạng đối xử không công bằng. Triển vọng đó giờ đây tạm thời bị trì hoãn khi Mỹ và Trung Quốc chưa thể lấp các hố sâu khoảng cách trong lập trường đàm phán.

Điều này khiến nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm cả các công ty ở Mỹ  trì hoãn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Trung Quốc, dẫn đến lương bổng tăng chậm cũng như các hoạt động học hỏi và chuyển giao công nghệ nước ngoài bị trì trệ ở Trung Quốc.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn