IMF cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên đây có thể không phải là tin xấu hoàn toàn với Việt Nam và ASEAN.

Trung Quốc là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của ASEAN, nhưng Mỹ cũng là đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng với tăng trưởng và sức mạnh chi tiêu có tác động đáng kể để thúc đẩy thương mại trên toàn thế giới.

Với mức thuế ngày càng tăng, hàng hoá sản xuất ở Đông Nam Á giờ hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Mỹ - theo phân tích của tờ The ASEAN Post. Trong cuộc thăm dò ý kiến của hơn 800 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị Điều tiết ASEAN của Refinitiv tại Singapore cuối tuần trước, người ta nhận thấy rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp khu vực ASEAN trong 2 năm tới.

Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của ASEAN với Trung Quốc, sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh mở rộng vào khu vực, chắc chắn sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại và kết nối thương mại song phương, đặc biệt là khi nhiều quốc gia Đông Nam Á cung cấp nguyên liệu thô để Trung Quốc tái xuất sang phần còn lại của thế giới.

“Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi ngay trong giai đoạn trước mắt và trong ngắn hạn, với mức tăng có thể lên đến 0,19 hoặc 1,5% GDP” - ông Ramesh Subramanium, Tổng Giám đốc (Văn phòng Đông Nam Á) của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, cho biết trong buổi họp báo do Refinitiv tổ chức.

Nền kinh tế Việt Nam đã bùng nổ ngay cả trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại, và được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất yêu cầu lực lượng lớn nhân công, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% trong năm 2018 - mức tăng nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ.

Phát biểu với báo giới Trung Quốc, ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics ở Hà Nội, lưu ý rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với những nhà đầu tư đang rời khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và mối đe doạ tăng thuế. Dữ liệu của chính phủ trong tháng 4.2019 cho thấy các khoản đầu tư mới đăng ký vào Việt Nam đã tăng 81% và nguồn vốn cho các cơ sở mới tăng 215%.

Đối với Indonesia, có những lĩnh vực nhất định có tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng GDP - ông Subramanium nhận xét. Trong khi Bộ trưởng Kinh tế Phối hợp Indonesia Darmin Nasution bày tỏ quan ngại về xuất khẩu của nước này vào Mỹ và Trung Quốc - 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia - do cuộc chiến thương mại làm chậm tăng trưởng kinh tế ở cả 2 thị trường, thì Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói rằng Indonesia có thể được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu vì sự bất ổn gia tăng.

Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết một số công ty dệt may và da giày đã tìm hiểu các lựa chọn để chuyển từ Trung Quốc sang Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ASEAN.

Malaysia cũng có thể hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Một nghiên cứu có tiêu đề "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Thương mại và đầu tư tiềm năng tràn vào Malaysia" do ông Tham Siew Yean, Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore và ông Andrew Kam Jia Yi, Tee Beng Ann từ Đại học Quốc gia Malaysia viết vào đầu tháng 5 này đã chỉ ra rằng, thuế quan áp lên Trung Quốc làm tăng khả năng dịch chuyển thương mại - đầu tư sang Malaysia và kịch bản tồi tệ nhất của chiến tranh thương mại sẽ giúp Malaysia tăng 1,8% GDP.

Mặc dù ASEAN nói chung có khả năng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung do vị trí địa lí, chuỗi cung ứng mạnh mẽ, mạng lưới phân phối toàn cầu, lực lượng lao động lớn với chi phí nhân công thấp và quan hệ thân thiết với hai siêu cường, song các quốc gia thành viên không thể cạnh tranh trong cùng không gian, mà cần bổ sung cho nhau nếu tận dụng cơ hội này - theo nhận định của tờ The ASEAN Post.

Nguồn: Báo Lao động