Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019 mang đến nhiều cơ hội lẫn thách thức. Trước thềm năm mới, luật sư Trần Mạnh Hùng (ảnh bên) - Luật sư Điều hành Công ty Luật BMVN - một thành viên của công ty luật quốc tế Baker McKenzie chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng chung quanh câu chuyện Việt Nam làm thế nào để thích ứng và tận dụng cơ hội trong sân chơi CPTPP, với những luật chơi mới.

Giữ vững tinh thần cởi mở để có khung pháp lý tiến bộ

Từ tháng 1-2019, dự kiến sẽ có nhiều luật phải sửa đổi để tương thích với hệ thống luật của CPTPP. Theo ông, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung các điều luật nói trên với tinh thần và tâm thế như thế nào để vừa bảo đảm sự đổi mới trong tư duy làm luật, thúc đẩy hội nhập với khu vực và thế giới, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và quyền lợi quốc gia?

Kể từ khi quyết định mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường cho đến nay, Việt Nam luôn giữ tinh thần tương đối cởi mở trong việc xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, nhằm thu hút thêm nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài. Điều này có thể thấy rất rõ khi nhìn lại thời kỳ Việt Nam sửa đổi hệ thống pháp luật để gia nhập WTO, ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

CPTPP bao hàm nhiều quy định thương mại chặt chẽ và mới mẻ hơn so với WTO. Đồng thời, CPTPP cũng là hiệp định đầu tiên quy định toàn diện các vấn đề thương mại mà Việt Nam tham gia. Do đó, trong quá trình hiệu chỉnh hệ thống pháp luật để thực thi CPTPP, hơn lúc nào hết, các nhà làm luật Việt Nam cần giữ vững tinh thần cởi mở và không ngại thay đổi để có được một khung pháp lý tương thích và tiến bộ hơn.

Các quy định vô cùng chặt chẽ và tiến bộ của CPTPP chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức cho các nhà làm luật Việt Nam, đặc biệt là khi hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn nhiều chồng chéo và đang “chuyển mình” từ một hệ thống cho phép sự can thiệp khá sâu của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế. Việc hiệu chỉnh hệ thống pháp luật hay ban hành các quy định mới nên đặt lợi ích thiết thực của doanh nghiệp lên trên, thay vì tiếp tục tạo ra một cái bẫy “xin-cho”, “cấp phép” hay tạo ra những “miền tối sáng” để cơ quan công quyền có thể diễn giải bất lợi cho doanh nghiệp.

Để tương thích và hơn hết là tận dụng được các cơ hội do CPTPP mang lại, Việt Nam cần tự thân tích cực và chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sửa đổi pháp luật. CPTPP đưa ra lộ trình thực hiện cho từng quy định sao cho phù hợp với trình độ phát triển của từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chủ động và cẩn thận xem xét nội dung và tầm ảnh hưởng của từng vấn đề để sắp xếp thực hiện cho phù hợp, chứ không chỉ thụ động dựa vào lộ trình do CPTPP đặt ra.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần lưu ý đến việc xây dựng một sân chơi bình đẳng và khuyến khích doanh nghiệp nội địa đổi mới, tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự khuyến khích này có thể được thể hiện ở cách nhà làm luật chuyển hóa các quy định của CPTPP vào luật quốc gia, cụ thể hóa các chế định đó một cách dễ hiểu và minh bạch để các doanh nghiệp nội địa cảm thấy yên tâm khi tham gia vào sân chơi quốc tế và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông, người Việt Nam phải lưu ý những điều luật quan trọng nào nếu không muốn bị trả giá trong sân chơi CPTPP?

CPTPP là một Hiệp định toàn diện với tổ hợp các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực quy định trong CPTPP có tầm ảnh hưởng và mức độ quan trọng khác nhau đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đó. Do đó, khó có thể chỉ ra điều luật nào là quan trọng nhất trong số các quy định nằm trong 30 chương của CPTPP.

Về cơ bản, tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu là các mục tiêu cốt lõi và xuyên suốt của CPTPP.

CPTPP có hiệu lực mang đến hy vọng về một làn sóng chuyển dịch đầu tư mới vào Việt Nam với nhiều thách thức mới. Làn sóng đầu tư này không chỉ đơn thuần đến từ các ngành dệt may hay thủy sản, mà sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ tài chính, công nghệ hay thương mại điện tử, những ngành mà trước đây Việt Nam vẫn hạn chế mở cửa. Do đó, chính làn sóng này sẽ mang theo những biến đổi về chất với những vấn đề chỉ mới khởi phát trong thập kỷ này như công nghệ và môi trường.

Vì vậy, cá nhân cũng như doanh nghiệp Việt Nam tự thân phải biết rõ mình đang và sẽ ở đâu trong làn sóng đầu tư quốc tế đó để không chỉ có thể đón đầu mà còn tận dụng được những cơ hội mà chính nó mang lại.

Thí dụ như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn là một “điểm nóng” của tình trạng xâm phạm quyền tác giả khi các chế tài đối với các hành vi như sao chép tác phẩm điện ảnh, tác phẩm âm nhạc hay quay lại bộ phim đang được chiếu trong rạp vẫn chưa được thực hiện triệt để. Nay, khi CPTPP có hiệu lực, tất cả các hành vi trên sẽ được hình sự hóa nghiêm khắc và triệt để hơn. Với chế tài mới này, tình trạng xâm phạm quyền tác giả sẽ giảm xuống (nếu việc thực thi nghiêm túc), và các tác giả hay chủ sở hữu quyền cũng có thể thật sự dựa vào pháp luật để bảo vệ quyền của mình.

Liên quan đến nhãn hiệu, hiện nay một số doanh nghiệp trong nước đang sử dụng các nhãn hiệu của các công ty nước ngoài và thực tế là các nhãn hiệu này chưa được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam với mục đích “mượn” danh tiếng của thương hiệu nước ngoài. Dù chúng ta đã có quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để giải quyết vấn đề này, nhưng các thực tiễn pháp lý và cách thức giải quyết về nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn nhiều bất cập và bất nhất. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi CPTPP có hiệu lực và được thực thi ở Việt Nam. Theo đó, CPTPP đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp Việt khi bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho mình, nhưng đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá và chủ động sáng tạo để cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của CPTPP

Năm 2019 khi CPTPP chính thức có hiệu lực, người dân và doanh nghiệp Việt Nam liệu có thích ứng nhanh và khai thác tối đa những cơ hội mà CPTPP mang lại?

Theo tôi, các ảnh hưởng của CPTPP sẽ chưa quá rõ nét trong năm 2019. Nguyên nhân chính là do quá trình cải cách thể chế, sửa đổi pháp luật và quy trình đưa những cải cách, sửa đổi đó vào cuộc sống vẫn cần một khoảng thời gian nhất định.

Dù vậy, môi trường pháp lý tại Việt Nam sẽ trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khi các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân đang bắt đầu chuẩn bị để thích ứng với các quy định mới sắp tới, vì việc cải cách thể chế để thích ứng với thực tiễn thương mại là tiên quyết.

Cho dù CPTPP sẽ tạo ra nhiều thách thức về cạnh tranh, áp lực về việc cải cách thể chế, Hiệp định này là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước buộc phải nỗ lực hết sức để thích ứng với dòng chảy hội nhập mới này. Một khi có thể nắm bắt và thích nghi, doanh nghiệp có thể tự mình nhìn thấy cơ hội mà CPTPP mang lại, tận dụng để phát triển, thay vì thụ động dựa vào các mối quan hệ với chính quyền hay các cơ hội chộp giật trên thương trường.

Thí dụ, trong lĩnh vực hàng hóa, làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam sau CPTPP có thể là thách thức cạnh tranh, nhưng cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước kêu gọi nguồn vốn nước ngoài hay thành lập liên doanh dựa trên các thế mạnh sẵn có trong nước như nhân công chưa quá đắt đỏ hay nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để phát triển, mà còn tạo ra một thị trường xuất khẩu lâu dài từ đối tác, nếu các bên biết tận dụng lợi thế từ việc cắt giảm thuế quan.

Từ góc độ luật pháp, trước hết, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần phải xác định rằng việc Việt Nam gia nhập CPTPP là để giúp môi trường pháp lý trong nước trở nên ổn định và tiến bộ hơn, và cùng với việc cải cách cơ chế công quyền, bản thân doanh nghiệp và doanh nhân sẽ là người được hưởng lợi từ sự minh bạch và bình đẳng.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của CPTPP tương ứng với hoạt động kinh doanh đặc thù của mình hay sử dụng các trợ giúp pháp lý cần thiết để hiểu rõ nội dung, cũng như tác động của các quy định này đến pháp luật trong nước và hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất cần nắm rõ được lộ trình thực thi CPTPP của Việt Nam để không bị bất ngờ trước các tình huống có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Nhân dân