Ngày 01/02, hai hiệp định mang tính bước ngoặt mới giữa EU và Nhật Bản chính thức có hiệu lực, đó là Hiệp định đối tác kinh tế và Hiệp định đối tác chiến lược.

Trong đó, hiệp định đối tác kinh tế là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từng được EU thực hiện về quy mô thị trường và sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất được tạo ra trong lịch sử. Hiệp định này giúp cắt giảm mạnh thuế quan giữa EU và Nhật Bản, mở đường cho sự lưu chuyển thương mại đơn giản hơn và nhanh hơn giữa hai bên, và do đó tăng kim ngạch thương mại song phương. Còn quan hệ đối tác chiến lược cam kết hợp tác an ninh trong các vấn đề như phổ biến hạt nhân, an ninh khu vực, khủng bố quốc tế và tội phạm có tổ chức, an ninh mạng, an ninh năng lượng và khí hậu.

Theo các chuyên gia phân tích về xu hướng và triển vọng hợp tác EU- Nhật Bản, hai hiệp định này có hiệu lực vào thời điểm quan trọng trong phát triển thương mại quốc tế và quản trị toàn cầu. Brexit khiến nước Anh cố gắng xác định lại mối quan hệ với EU và có khả năng tạo ra các chính sách thương mại riêng của mình với phần còn lại của thế giới. Có lẽ quan trọng hơn, các hiệp định mới giữa EU và Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với quyết định của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa ra chính sách thương mại “nước Mỹ là trên hết”. Kể từ khi được bầu làm tổng thống năm 2016, ông Trump đã nhấn mạnh trọng tâm vào các hiệp định song phương, dựng lên các rào cản thương mại và làm suy yếu các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới. Đó là các chính sách dân tộc của chính quyền Trump, và đặc biệt là việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã tạo ra động lực mới cho EU và Nhật Bản kéo dài các cuộc đàm phán về hai hiệp định. Các hiệp định thương mại lớn mất nhiều thời gian để đàm phán và các cuộc đàm phán đầu tiên giữa EU và Nhật Bản bắt đầu vào năm 2013.

Nhật Bản và EU - mà đặc biệt là Đức - là những nền kinh tế định hướng xuất khẩu và ủng hộ thương mại mở. Lập trường bảo hộ của Tổng thống Trump khiến các nước này cảm thấy dễ bị tổn thương. Vì vậy, hiệp định đối tác kinh tế mới được coi là tái khẳng định mạnh mẽ hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc. Những nhượng bộ mà Nhật Bản đưa ra cho EU đối với các sản phẩm nông nghiệp là một đòn giáng mạnh vào nông dân Mỹ, những người từ lâu đã hy vọng sẽ mở ra thị trường này. Hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản sẽ nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản đối với thương mại tự do và tạo thêm lực đẩy cho hiệp định thương mại đa phương mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định thương mại EU-Nhật Bản cuối cùng sẽ loại bỏ 97% thuế quan mà Nhật Bản áp dụng đối với hàng hóa châu Âu và 99% thuế quan mà EU áp dụng đối với hàng hóa Nhật Bản. Ước tính rằng các công ty EU sẽ tiết kiệm 1 tỷ euro mỗi năm các nghĩa vụ thuế mà họ hiện phải trả khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Một số rào cản pháp lý lâu dài, ví dụ về xuất khẩu xe hơi, cũng sẽ được gỡ bỏ. Hiệp định sẽ mở cửa thị trường với 127 triệu người tiêu dùng Nhật Bản cho các sản phẩm nông nghiệp chính của EU và tăng cơ hội xuất khẩu của EU trong nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ tài chính. Vì Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp, nên người châu Âu sẽ kiếm được nhiều tiền nhất từ xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng, như phô mai, thịt lợn và rượu vang.

Lợi ích chính của Nhật Bản trong một hiệp định thương mại với châu Âu là tăng xuất khẩu ngành công nghiệp ô tô. EU hiện áp dụng mức thuế 10% đối với ô tô Nhật Bản. Theo cam kết hiệp định, mức thuế sẽ được hạ dần xuống 0 trong 8 năm. Mặc dù ô tô và linh kiện ô tô chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Âu, nhưng thị phần của thị trường Châu Âu đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ khoảng 10% - thấp hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc châu Á. Bên cạnh những cải tiến này, hiệp định đối tác kinh tế sẽ tăng cường hợp tác giữa châu Âu và Nhật Bản trong một loạt các lĩnh vực. Nó sẽ tái khẳng định cam kết chung của hai bên đối với sự phát triển bền vững và lần đầu tiên bao gồm một cam kết cụ thể đối với hiệp định khí hậu Paris.

Các công ty EU đã xuất khẩu hơn 58 tỷ euro hàng hóa và 28 tỷ euro dịch vụ sang Nhật Bản mỗi năm. Các con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn và mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ EU-Nhật Bản và sự tham gia ngày càng sâu rộng trên một loạt các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương. Hiệp định cũng khẳng định các giá trị chung và các nguyên tắc chung tạo thành nền tảng của quan hệ EU-Nhật Bản, bao gồm cả nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Bằng việc hiệu lực hóa hiệp định thương mại giữa hai bên, các nền kinh tế EU và Nhật Bản sẽ chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Do đó, hiệp định thương mại mới sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, cũng như đánh dấu một cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương của hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nguồn: Báo Công thương