Nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các kế hoạch đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ.

Trong tuyên bố ngày 18/1, Ủy viên Thương mại của EU Cecilia Malmstrom công bố hai nội dung chính trong tiến trình đàm phán về một thỏa thuận tự do giữa EU và Mỹ, đó là vấn đề xóa bỏ các mức thuế đối với hàng hóa công nghiệp và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp lý.

Hai nội dung này phù hợp với thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương sơ bộ đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhất trí hồi tháng Bảy năm ngoái, theo đó thống nhất tránh áp đặt bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào trong giai đoạn hai bên đang đàm phán.

Tuy nhiên, hai nội dung đàm phán này cần được 28 nước thành viên EU thông qua trước khi hai bên chính thức bước vào đàm phán.

Phát biểu với báo giới, bà Malmstrom khẳng định thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mỹ không phải là một thỏa thuận "truyền thống," mà là một thỏa thuận "có giới hạn," chỉ bao gồm nội dung duy nhất liên quan đến hàng rào thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp.

Quan chức EU này khẳng định Brussels không có kế hoạch đàm phán về việc giảm thuế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện tại, Mỹ là đối tác nhập khẩu chính hàng hóa công nghiệp của EU và nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường EU.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều EU-Mỹ đạt 633 tỷ euro (khoảng 722 tỷ USD) năm 2017, trong đó 598 tỷ euro là hàng hóa công nghiệp.

EU và Mỹ áp mức thuế thấp đối với các hàng hóa này của nhau, cụ thể lần lượt là 4,2% và 3,1% với hàng hóa phi nông nghiệp.

Theo giới chức Brussels, căn cứ vào tình hình thực tế, việc xóa bỏ các quy định về thuế đối với hàng hóa công nghiệp của nhau sẽ có tác động quan trọng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở hai bên bờ Đại Tây Dương.

Một phân tích nội bộ của Ủy ban châu Âu cho thấy nếu các mức thuế hàng hóa công nghiệp được đưa về mức 0%, lượng hàng hóa xuất khẩu của EU sang Mỹ sẽ tăng 10%, trong khi ở chiều ngược lại, hàng hóa Mỹ và châu Âu cũng sẽ tăng 13%.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất một cơ chế đánh giá phù hợp, cho phép dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan thông qua tạo điều kiện cho các công ty chứng minh các sản phẩm của họ đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của cả Mỹ và EU.

Hiện, Brussels và Washington đang áp dụng các quy định khác nhau về chất lượng sản phẩm, bao gồm cả quy định kiểm định, thanh tra và cấp chứng nhận.

Theo giới phân tích, tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ sẽ không hề dễ dàng.

Hồi tuần trước, Washington đã công bố một loạt nội dung mà nước này muốn đàm phán với EU, trong đó có vấn đề giảm thuế đối với nông sản Mỹ và Washington muốn EU chấm dứt thao túng tỷ giá hối đoái.

Các nhà phân tích nhận định đây là những đòi hỏi "không thể chấp nhận được" đối với EU.

Quan hệ EU và Mỹ trở nên căng thẳng trong năm 2018 sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU và một số đối tác.

EU đã đáp trả thông qua quyết định áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị hơn 3 tỷ USD từ Mỹ, như rượu, quần bò và xe motor Harley Davidson.

Sau đó, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 25% đối với xe ôtô nhập khẩu từ các nước châu Âu, động thái được cho sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, hai bên đã nhất trí thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận tự do song phương và chấm dứt áp thuế bổ sung lên hàng hóa của hai bên./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus