Việc kiểm soát chặt chuỗi cung ứng gỗ sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi ký Hiệp định VPA/FLEGT nhằm tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường châu Âu.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị phê duyệt Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Hiệp định này sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp. Hiệp định cũng nhằm thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.

Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 1, bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, có chuyến thăm và làm việc, tìm hiểu về tình hình thực tế tại Việt Nam, thảo luận về việc chuẩn bị thực hiện Hiệp định VPA.

Tại buổi thông tin "Việt Nam và EU hướng tới việc phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT" diễn ra ngày 7-1, bà Heidi Hautala cho hay, Hiệp định VPA với Việt Nam là Hiệp định thứ 2 tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Thông qua Hiệp định này, Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ gỗ được sản xuất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam, trên cơ sở hệ thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu.

“Việc Nam cần thực hiện tất cả các nỗ lực để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm trên giấy tờ”, bà Heidi Hautala nói.

Việt Nam đã cam kết về lĩnh vực này trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Vì vậy, việc triển khai Hiệp định VPA sẽ tạo thuận lợi cho các thảo luận về EVFTA.

Liên quan tới vấn đề quản lý nguồn nguyên liệu gỗ, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho hay, vừa rồi Việt Nam đã thông qua Luật lâm nghiệp, lần đầu tiên quy định việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chuỗi cung hợp pháp theo thông lệ rất mới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã trình Chính phủ 4 Nghị định và 7 Thông tư, trong đó có 1 Thông tư chuyên đề về truy xuất và kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trong năm 2019, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ một nghị định riêng về thực thi kiểm soát chuỗi cung theo Hiệp định VPA này.

Tuy nhiên, vị Thứ trưởng này cũng thừa nhận, việc tăng cường kiểm soát ở cửa khẩu là rất dễ, nhưng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung là không hề đơn giản.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang nhập khẩu gỗ của nhiều nước, trong đó có nước láng giềng. Thứ trưởng Tuấn cho hay, về mặt hàng hóa, đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp vì làm theo các thủ tục theo quy định của pháp luật hai bên.

“Nhưng chúng ta vẫn phải làm sâu hơn”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: Việt Nam phải thể hiện được trách nhiệm về nguồn gỗ đấy được khai thác ở những nơi hợp pháp, đảm bảo tính bền vững.

Để đảm bảo vấn đề này, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ cấp Bộ về việc kiểm soát nguồn gốc gỗ với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Việt Nam hiện nay xuất khẩu sang 28 nước của EU, thị trường lớn thứ 4 của ngành gỗ Việt Nam, các sản phẩm gỗ nội và ngoại thất. Tất cả sản phẩm gỗ này đều được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, Việt Nam không sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ tự nhiên vùng Đông Nam Á, vùng có rủi ro cao về tính hợp pháp, khi xuất khẩu sang thị trường này.

Theo vị lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tiềm năng khu vực EU là rất lớn, và sẽ có điều kiện để tăng trưởng hơn nếu Việt Nam thực hiện VPA nghiêm túc, có niềm tin. Thực tế, các nước EU đang thực hiện rất nghiêm ngặt chính sách kiểm soát mua sắm công, trong đó có những sản phẩm chế biến từ gỗ. Nếu các nước này chưa có niềm tin vào sản phẩm gỗ của Việt Nam thì họ sẽ lựa chọn sản phẩm của thị trường khác, làm mất cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam.

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã được hai bên ký kết ngày 19-10-2018 tại Brussels. Trước khi Hiệp định VPA có hiệu lực, mỗi bên cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt hiệp định theo quy định pháp luật mỗi bên.

Về phía Việt Nam, Hiệp định VPA là điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ. Về phía EU, Hiệp định VPA cần được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt.

Khi Hiệp định VPA được thực hiện đầy đủ, tất cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT do phía Việt Nam cấp. Trước đó, có một giai đoạn chuẩn bị và đánh giá xác minh rằng tất cả các cam kết trong Hiệp định VPA đã đáp ứng các tiêu chí quy định tại phụ lục riêng của HIệp định.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn