Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là một hiệp định thương mại tự do giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ với tổng giá trị sản xuất 19,4 nghìn tỷ đôla và Liên minh châu Âu với tổng giá trị 19,9 nghìn tỷ đôla trong năm 2017.

Hai nền kinh tế tạo ra gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của thế giới là 127 nghìn tỷ đôla. Mỹ giao dịch với EU nhiều hơn với Trung Quốc. Tổng giá trị thương mại được giao dịch ở mức 1 nghìn tỷ đôla, nhưng TTIP có thể tăng gấp 4 lần số đó, có thể tăng GDP của Mỹ thêm 5% và EU là 3,4%, bằng cách loại bỏ tất cả thuế quan và các rào cản thương mại khác. Nếu hoàn thành, TTIP sẽ trở thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.

Tầm quan trọng của EU thậm chí còn lớn hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các công ty châu Âu chiếm 1,5 nghìn tỷ đôla, tương đương 63%, trong tổng số vốn FDI ở Mỹ. Các công ty Mỹ chiếm 1,7 nghìn tỷ đôla, tương đương 50% vốn FDI ở châu Âu trong năm 2009. Những khoản đầu tư này sử dụng 4 triệu công nhân ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Đó là số lượng được tuyển dụng bởi các chi nhánh của các công ty châu Âu hoặc Mỹ. Ví dụ, Công ty Siemens của Đức sử dụng 60.000 người tại Mỹ, còn General Electric sử dụng 70.000 công nhân ở châu Âu. Cựu Tổng thống Obama đã khởi động TTIP trong nhiệm kỳ năm 2013 của mình và các đại diện thương mại bắt đầu "các thủ tục nội bộ cần thiết để khởi động đàm phán" hiệp định này. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã không ưu tiên cho hiệp định này mà thay vào đó, Trump đe dọa một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Do đó, các cuộc đàm phán hiệp định đang tập trung vào các lĩnh vực thu hút sự chú ý của cả hai bên. Các đại diện đã đạt được tiến bộ trong việc hài hòa các thủ tục kiểm tra an toàn và các quy định khác. Kết quả là thỏa thuận này sẽ nhỏ hơn nhiều và ít có ý nghĩa so với TTIP ban đầu.

Những lợi thế của TTIP được thể hiện rất rõ ràng, đó là tăng trưởng lớn hơn sẽ tạo ra việc làm và thịnh vượng cho cả hai lĩnh vực. Một số ngành công nghiệp sẽ có lợi hơn những ngành khác. Ví dụ, các công ty dược phẩm sẽ cắt giảm chi phí vì sẽ có một chương trình thử nghiệm thuốc theo thỏa thuận cho Mỹ và EU. Ngành công nghiệp ô tô điện sẽ thu lợi bằng cách tuân thủ một tiêu chuẩn thống nhất. Nông dân Mỹ có thể phát triển nếu EU cho phép các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen. Một hiệp định TTIP cũng sẽ củng cố vị thế địa chính trị của khối xuyên Đại Tây Dương nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Thái Bình Dương khác, cũng như sự thành công ngày càng tăng của Mỹ Latinh. Nếu Mỹ và EU có thể giải quyết sự khác biệt của họ, hai bên có thể chống lại các mối đe dọa thị trường từ phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp của Mỹ có thể phải chịu sự cạnh tranh gia tăng từ châu Âu. Điều đó có thể dẫn đến việc làm ít hơn cho người lao động Mỹ. Những bất lợi này luôn đi kèm với bất kỳ hiệp định thương mại nào. Ví dụ, kinh doanh nông nghiệp châu Âu sẽ bị nhập khẩu thực phẩm rẻ hơn do Mỹ sản xuất. Các chính phủ sẽ phải ngừng bảo vệ các ngành công nghiệp như rượu sâm banh Pháp hay Boeing - một công ty máy bay của Mỹ, đang cạnh tranh toàn cầu khốc liệt với Airbus của Pháp….

Trở ngại lớn nhất đối với TTIP là tình trạng ngành nông nghiệp được bảo hộ của mỗi quốc gia thông qua trợ cấp của chính phủ. Điều đó sẽ làm tăng giá thực phẩm hơn nữa. EU cấm tất cả các loại cây trồng biến đổi gen. EU cấm thịt từ động vật được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Khối này cũng từ chối gia cầm đã được rửa bằng clo. Đây là tất cả các thực hành phổ biến với thực phẩm Hoa Kỳ. Người tiêu dùng châu Âu sẽ phản đối nếu những lệnh cấm này được dỡ bỏ. Họ muốn bảo vệ khỏi thực phẩm bị nhiễm độc hoặc chất lượng thấp hơn. Sau đó, có nhiều vấn đề nhỏ hơn, ví dụ như Hy Lạp yêu cầu bất kỳ loại phô mai có nhãn "feta" đều phải được làm từ sữa cừu hoặc dê. Các công ty sữa của Mỹ thì làm phô mai feta từ sữa bò. Rất khó có khả năng EU sẽ thỏa hiệp trong các quy định. Việc phản đối hạ thấp các tiêu chuẩn này là điều cuối cùng đã gióng lên hồi chuông báo chấm dứt cho vòng đàm phán thương mại Doha. Một kịch bản để vượt qua những trở ngại này có thể là một cách tiếp cận theo từng cấp. Các cuộc đàm phán có thể thành công trong các lĩnh vực không phải là điểm nghẽn chính. Ví dụ, thuế quan còn lại có thể được loại bỏ. Nhưng điều này sẽ không có nhiều tác động kinh tế vì thuế quan còn lại đã thực sự thấp.

Các cuộc đàm phán TTIP đã bắt đầu từ năm 2013. Hai bên nhất trí thông qua Nhóm công tác cấp cao về việc làm và Báo cáo tăng trưởng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán. Họ đã đưa ra các khuyến nghị theo ba nhóm lĩnh vực sau:

1. Tiếp cận thị trường - Cách tốt nhất để cải thiện điều này sẽ là: (i) Loại bỏ tất cả các thuế phí và thuế quan đối với các sản phẩm không nhạy cảm. Tiếp tục đàm phán cho các thị trường nhạy cảm, như máy bay thương mại và nông nghiệp. Kể từ tháng 1/2017, các nhà đàm phán đã đồng ý loại bỏ thuế quan đối với 97% thương mại. (ii) Làm cho các yêu cầu cấp phép và chất lượng trở nên minh bạch hơn cho các dịch vụ. (iii) Tự do hóa thủ tục đầu tư trong khi vẫn duy trì bảo vệ. (iv) Cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội mua sắm chính phủ.

2. Đằng sau các quy trình và quy định biên giới - Đây là những khác biệt trong các quy trình không phải là thuế quan hay luật pháp nhưng vẫn gây khó khăn cho các công ty nước ngoài. Để khắc phục điều này: (i) Sử dụng các tiêu chuẩn do WTO đặt ra trên cơ sở thống nhất các phương pháp khoa học để giải quyết các vấn đề vệ sinh kiểm dịch. Đây là vấn đề khó khăn để giải quyết. (ii) Sử dụng các tiêu chuẩn của WTO để tạo ra các yêu cầu kiểm tra, chứng nhận và tiêu chuẩn hóa thống nhất. (iii) Cùng thực hiện các quy định hiện hành và phát triển các quy định mới. (iv) Trường hợp các quy tắc và chứng nhận vẫn khác nhau, thống nhất chấp nhận hàng hóa và dịch vụ được phê duyệt từ đối tác thương mại khác. Ví dụ, các bác sĩ và dược sĩ có thể sử dụng giấy phép của họ để làm việc ở bất cứ đâu trong khu vực thương mại. (v) Xây dựng các thủ tục hợp tác để phát triển các quy định trong tương lai.
3. Quy tắc giải quyết các thách thức và cơ hội thương mại toàn cầu chung - Đây là những vấn đề sẽ đặt ra một tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại ở khắp mọi nơi, Mỹ và EU cần: (i) Hợp tác và thống nhất về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (ii) Đưa cả bảo vệ môi trường và lao động trong TTIP, sử dụng các hướng dẫn hiện có. (iii) Đạt được thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng đối với thương mại toàn cầu, bao gồm thuận lợi về hải quan và thương mại, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương, nguyên liệu thô và năng lượng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và minh bạch.

Vào ngày 16/4/2015, Quốc hội Mỹ đã trao cho tổng thống quyền đàm phán nhanh cho đến năm 2021. Đàm phán nhanh có nghĩa là Quốc hội phải đưa ra ý kiến hoặc đồng ý với toàn bộ thỏa thuận thương mại. Họ không thể xem xét lại mọi yếu tố của một hiệp định thương mại đa phương. Điều đó giúp cho chính quyền dễ dàng hơn để hoàn thành các cuộc đàm phán. Vào ngày 23/6/2016, Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và Brexit đã khiến các cuộc đàm phán TTIP rơi vào tình trạng bất chắc mới. Có thể mất hai năm để các vấn đề chi tiết của Brexit được giải quyết, trong đó có việc Anh là một thành viên của hiệp định thương mại. Cuộc bỏ phiếu Brexit thời điểm đó đã củng cố tiếng nói chống toàn cầu hóa và chống thương mại trong Quốc hội.

Năm 2017, Tổng thống Trump đã đình chỉ đàm phán TTIP và đi theo một chính sách "Nước Mỹ là số một" của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Ông đe dọa EU và các đối tác thương mại khác bằng thuế quan đối với thép và nhôm. Vào ngày 29/3/2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, chính quyền sẽ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán TTIP vì chính quyền Trump muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. Năm 2017, mức thâm hụt này là 146,3 tỷ đôla. Nhưng sẽ rất khó để nối lại các cuộc đàm phán tích cực dưới áp lực của một cuộc chiến thương mại.

Nguồn: Báo Công Thương