Chỉ số thịnh vượng toàn cầu 2018 của The Legatum Prosperyti Index cho thấy một cuộc dịch chuyển đang hướng dần về Châu á - Thái Bình Dương.

Từ cổ đại cho đến cận - hiện đại, Châu Âu và phương Tây nói chung không phải là cái nôi duy nhất của loài người nhưng luôn đóng vai trò dẫn dắt thế giới về mọi mặt. Các giá trị được tạo ra từ đây luôn được coi là có tác dụng “khai phá”.

Điển hình là văn minh Hy - La cổ đại, các cuộc cách mạng công nghiệp, các phát minh có tính bước ngoặt, và kể cả những cuộc chiến tranh làm thay đổi thế giới.

Sự phát triển luôn đi kèm với khả năng sáng tạo và khai phá của loài người, bao gồm cả tự nhiên lẫn xã hội. Dần dần những lợi thế dần biến mất do sự khan hiếm về tài nguyên, các mô hình phát triển có dấu hiệu khủng hoảng do tới hạn, ắt dẫn đến cuộc dịch chuyển.

Giống như các cuộc thám hiểm để tìm ra những miền đất mới, thị trường mới, nguyên liệu mới...trong lịch sử, nhưng khác ở chổ - ngày nay nó được thực hiện dưới dạng khác, đó là sức mạnh tài chính, không ngoại trừ “mùi thuốc súng”!

Từ sau thế chiến II, Châu Á đã bứt ra khỏi sự lệ thuộc bởi chủ nghĩa đế quốc, thực dân tạo ra “thần kỳ của Nhật Bản”, sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước NICs (Công nghiệp mới - Hàn Quốc, Singgapore, Thái Lan…) làm thay đổi bản đồ thịnh vượng toàn cầu.
Châu Á rộng lớn và đông dân nhất thế giới, dư địa phát triển vẫn còn nhiều và qua những thành tựu kể trên, thuật ngữ “thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu á” được định hình. Tức là đang có cuộc chuyển dịch đầy hứa hẹn về Châu á - TBD.

Ước tính trung bình 24h đồng hồ trôi qua Châu á xuất hiện thêm một tỷ phú. Khối tài sản của châu lục này đang ngày càng phình to, với tốc độ tăng vượt hơn gấp đôi hai thị trường lớn của thế giới là Mỹ và châu Âu để trở thành khu vực tăng trưởng tài sản “nóng” nhất toàn cầu.

Theo báo cáo mới được công bố, ¾ số tỷ phú mới của thế giới tới từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, số lượng tỷ phú châu Á đã tăng thêm 117 người, lên tổng số 637 tỷ phú USD. Đa phần trong số này là tỷ phú tự lập. Điểm chỉ số ít được kế thừa tài sản gia đình.

Một dự toán từ công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers cho thấy, tổng tài sản toàn cầu đang được quản lý ước đạt gần gấp đôi - đến 145.400 tỷ USD vào năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á - TBD, với mức dự báo 145% - nhiều hơn gấp đôi mức tăng ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong 2 thập kỷ qua, nước này có tham vọng tăng giá trị tài sản lên 5 lần so với hiện tại, vào năm 2030! Thậm chí Bắc Kinh sắp khai trương ngành công nghiệp quản lý tài sản cho người nước ngoài!

Top 10 doanh nghiệp có vốn niêm yết lớn nhất toàn cầu năm 2017 - có một nửa đến từ Châu á, duy nhất 1 đại diện của Nhật Bản (Toyota) còn lại đều xuất phát từ Trung Quốc, 4 doanh nghiệp này đều là ngân hàng.

Từ sau thế chiến II, đi liền với dòng vốn FDI, các doanh nghiệp khổng lồ bắt đầu di chuyển về nơi tiềm năng hơn - đó là Châu á, một con số không cần thống kê - vì tất cả những công ty lớn nhất trên khắp 4 Châu lục còn lại đều làm ăn ở Châu Á.

Những trung tâm công nghiệp đồ sộ mọc lên ở Thâm Quyến, Thiên Tân, Trùng Khánh (Trung Quốc), Mumbai, New Dehli (Ấn Độ), Sarubaya, Bandung (Indonesia), Busan, Ulsan (Hàn Quốc), Nagoya, Tokyo (Nhật Bản)…trong đó Trung Quốc đã trở thành “công xưởng thế giới”, còn Ấn Độ, Việt Nam được dự báo sẽ “tiếp quản” công việc này.

Các nền kinh tế Châu Á vẫn giữ được mức tăng trưởng nhanh hơn so với phần còn lại, năm 2017 Châu á tăng trưởng 6,1%, trong khi đó Đông Phi (khu vực phát triển nhất Châu Phi) tăng trưởng 5,3%, còn Châu Âu đạt 2,4%, Mỹ trên 2%.

Châu Á chắc chắn còn phát triển mạnh bởi vì tiềm lực về con người, tự nhiên còn nhiều, bao gồm nhiều nền kinh tế trẻ, nhiều nước đang cải cách thể chế, đồng thời nguồn vốn đổ về - ước tính 136 ngàn tỷ USD trong những năm gần đây sẽ là động lực không nhỏ.

Chẳng hạn, Starbucks Corp đang có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng các cửa hàng tại Trung Quốc Đại lục cho tới năm 2021, trong khi McDonald’s Corp dự định thành lập thêm 2.000 nhà hàng mới tại đây trong cùng giai đoạn.

Apple - mặc dù mắc kẹt bởi chiến tranh thương mại nhưng chưa muốn rời bỏ Trung Quốc, Samsung vẫn tăng trưởng đều đặn ở Việt Nam, song, nếu có cuộc dịch chuyển ngược lại vẫn không thể vượt ra khỏi Châu Á.

Tuy nhiên, không một sự phát triển nào không có mặt trái. Châu á đang đối diện nghiêm trọng với ô nhiễm môi trường, xung đột thô bạo với tự nhiên, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là Châu Á trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường. Nhiều đánh giá cho rằng, nếu thế chiến thứ 3 xảy ra - nó sẽ được châm ngòi từ Châu Á!

Quan ngại này hoàn toàn có lý do bởi lịch sử, thế chiến I và II đều giống nhau về cách thức - khi đó là van xả mâu thuẫn do mặt trái của sự phát triển mang đến.

Tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ Barak Obama và ngoại trưởng lúc đó là bà Clinton lần lượt tuyên bố nước Mỹ sẽ xoay về Châu á trong thế kỷ 21 với mục đích “để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới”.

Tháng 5/2017, ông Tập Cận Bình đón 27 nguyên thủ hàng đầu trên thế giới tại Bắc Kinh trong một bữa tiệc để giới thiệu nội hàm của khái niệm “Vành đai và Con đường” (BRI). Là siêu dự án hạ tầng trị giá hàng trăm tỷ USD bắt đầu từ Trung Quốc liên hoành sang Tây Á, qua Nga, vào Châu âu.

Không lâu sau đó Tổng thống Mỹ đương nhiệm, Donald Trump đã cho ra đời sáng kiến “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” để cạnh tranh với Bắc Kinh tại Châu á - TBD.
Hiện nay là thương chiến Mỹ - Trung và trong tương lai Châu á còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp