Trao đổi với báo về việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam sang các nước Asean, ông Nguyễn Đương Kiên, Phó trưởng Phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực – Vụ Châu Á, Châu Phi – Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải tận dụng mọi cơ hội và có chiến lược nhất định để thâm nhập vào thị trường này…

Chúng ta có những cơ hội gì để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Asean, thưa ông

-Có một thực tế là trước kia doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là quan tâm đến thị trường lớn khác, trong khi đó thị trường khu vực lại bỏ ngỏ. Tôi nhấn mạnh, nếu muốn mở rộng xuất khẩu sang được thị trường Asean, chúng ta phải thực sự quan tâm và nghiên cứu kỹ về thị trường này.

Tôi lấy ví dụ, thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia… là những thị trường rất có tiềm năng. Nhiều sản phẩm của chúng ta như rau quả, sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, hàng gia dụng… có thể xuất khẩu sang thị trường này. Những yêu cầu về tiêu chuẩn của các thị trường này cũng tương đối phù hợp với Việt Nam.

Ngoài ra, các thị trường này chúng ta không những có lợi thế về giá cả do khoảng cách về địa lý, về ưu đãi thuế quan, mà còn có những lợi thế khác về sự phù hợp sản phẩm đối với yêu cầu của thị trường.

Bộ Công thương, Vụ Châu Á Thái Bình Dương – Vụ Châu Á, Châu Phi chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự những hội chợ triển lãm cũng như những hoạt động giao thương.

Và Bộ Công thương cũng có các hệ thống các vụ tại các nước Asean sẵn lòng hỗ trợ các doanh nghiệp để có thể kết nối với các đối tác tại thị trường này. Tôi hy vọng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến thị trường gần gũi như Asean. Chúng ta phải tận dụng được những ưu đãi cũng như các lợi thế khác để có thể tham gia vào trục cung ứng khu vực cũng như là xuất khẩu sang thị trường này một cách bền vững.

Theo ông, thách thức của các doanh nghiệp Việt trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hiện nay là gì?

-Ngoài những ưu đãi trong khu vực như tôi vừa nêu, thời gian gần đây Bộ Công thương tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động triển lãm, đoàn giao thương khác tại khu vực… thì các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về thị trường. Bởi vì trong cả khối Asean thì có một số nước có những nét khác biệt. Ví dụ Indonesia, Malaysia, Brunei… họ có những yêu cầu về chứng chỉ HALAL (chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm) và nhiều yêu cầu khác thì các doanh nghiệp phải biết điều này để chủ động.

Các doanh nghiệp phải có chiến lược nhất định để có thể thâm nhập vào thị trường. Chúng ta có thể thông qua những hệ thống đại diện Việt Nam tại các nước cũng như các vụ thị trường khu vực như Vụ Thị trường Châu Á, Châu Phi để có thể tìm thấy sự trợ giúp nhất định. Tuy nhiên tính chủ động của doanh nghiệp phải quan trọng nhất.

Thị trường Thái Lan vẫn nhập siêu rất lớn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh dạn để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Thái Lan?

-Như chúng ta đã biết, Thái Lan là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam và trong khu vực Asean. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm Việt Nam đã sang thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta có tâm lý e dè khi xuất khẩu sang Thái Lan vì nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng, mình có sản phẩm thì họ cũng có, và giá thành cũng như chất lượng của họ cạnh tranh hơn chúng ta. Nhưng thực tiễn thì rất nhiều sản phẩm của chúng ta có tiềm năng xuất khẩu sang Thái Lan, trong khi doanh nghiệp chưa tận dụng được điều này.

Tôi mong thời gian tới, các doanh nghiệp nên quan tâm hơn đến vấn đề trên. Chúng ta có một lực lượng ủng hộ rất quan trọng, đó là lực lượng Việt kiều – những người luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Và bản thân các doanh nghiệp Việt kiều của chúng ta ở Thái Lan cũng sở hữu những chuỗi phân phối, showroom, siêu thị lớn. Chúng ta có thể tận dụng qua những kênh này để đưa sản phẩm Việt vào thị trường Thái Lan.

Hay như trước kia doanh nghiệp của chúng ta chỉ đến Bangkok thôi và bỏ qua những tỉnh, thành khác của bạn. Giờ chúng ta nên thâm nhập nhiều hơn nữa. Tôi lấy ví dụ, vùng Đông Bắc của chúng ta có thể xuất khẩu sang Lào. Hoặc ta có thể tận dụng hành lang Đông – Tây để xuất khẩu hàng Việt Nam. Những sản phẩm như thủy sản, rau quả, trái cây… rất tiềm năng ở thị trường này. Tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm đến vấn đề đó.

Giải pháp từ phía Chính phủ để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan triển khai ra sao, thưa ông?

Thời gian qua Bộ Công thương đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và đã có báo cáo tới Chính phủ về những giải pháp nhằm đạt được 20 tỷ USD trong quan hệ Việt Nam – Thái Lan và phát triển theo hướng bền vững.

Bền vững ở đây là hướng tới cán cân thương mại cân bằng giữa hai nước. Trong đó chúng tôi đã đề ra những giải pháp, và trọng tâm là phải đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy chất lượng sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đàm phán mở cửa thị trường rau quả.

Bởi hiện nay Thái Lan chỉ cho ta 5 loại quả tươi nhập khẩu vào thị trường này, trong khi đó rất nhiều sản phẩm hoa quả khác của chúng ta có tiềm năng thì lại chưa được phép xuất khẩu sang Thái Lan. Và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan chịu trách nhiệm về việc này, phải phối hợp chặt chẽ với bạn để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Hiện phía bạn đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp chủ động đề nghị bạn rà soát và giảm thuế đang áp dụng… Bộ Công thương luôn sẵn lòng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tâm lý của người Việt hiện nay rất thích dùng hàng Thái Lan. Ông có quan điểm thế nào về thực tế này?

-Chúng ta không nên quá lo lắng về việc nhập khẩu hàng hóa. Vì quan hệ thương mại là quan hệ hai chiều. Việc của chúng ta là phải tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.

Phải chăng thương hiệu của chúng ta chưa được người tiêu dùng trong khu vực biết đến nên chúng ta chưa đẩy mạnh được xuất khẩu?

-Tôi nhấn mạnh là thương hiệu Việt Nam trong những năm gần đây được quan tâm rất nhiều. Ngay cả thị trường Thái Lan cũng có những thương hiệu Việt Nam rất có tiếng như cà phê, hạt điều… được người tiêu dùng chú ý. Nhưng để phát triển hơn nữa thì các doanh nghiệp phải chủ động trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu của chính mình.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thế giới tiếp thị