Thiếu tầm nhìn và chưa biết xây dựng chiến lược đang là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi Việt Nam gia nhập CPTPP.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 10,85% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ngành này kỳ vọng sẽ nâng mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu lên 20%.

Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95 - 98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm túi xách.

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội CPTPP mang lại nhằm đạt mục tiêu đề ra, bà Xuân cho rằng cả các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cần là những người “bắt bệnh” để tìm ra điểm yếu của Việt Nam, từ đó tìm ra các giải pháp và hướng đi phù hợp.

Theo lãnh đạo Lefaso, ngành da giày có xuất phát là một ngành gia công tích hợp nên tính chủ động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, chủ yếu khách hàng tìm đến đặt hàng, các điều kiện cũng được đưa ra thông qua khách hàng.
“Chính vì vậy, tính chủ động trong tiếp cận và tham gia vào thị trường của các doanh nghiệp Việt vẫn còn là một điểm yếu khi Việt Nam gia nhập CPTPP”, bà Xuân nhận định.

Cũng chính vì thiếu tính chủ động, đại diện Lefaso cho rằng các doanh nghiệp sẽ thiếu đi tầm nhìn trong việc tận dụng những cơ hội mà CPTPP mang lại, ít nhất là trong vòng 5-10 năm kể từ khi hiệp định này được thực thi. Nếu thiếu điều này, bà Xuân nhìn nhận, các doanh nghiệp sẽ khó có thể xây dựng được chiến lược tiếp cận thị trường và hưởng lợi thế.
“Khi xây dựng được chiến lược, doanh nghiệp sẽ định vị được mình đang ở đâu, thiếu cái gì và các điều kiện tham gia thị trường là gì để có thể đáp ứng. Và cần xác định nếu làm được điều đó thì kết quả thu lại là gì”, bà Xuân nói.

Như vậy, vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là hạn chế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay khi tiếp cận thị trường 500 triệu dân của CPTPP.

Để các doanh nghiệp khắc phục yếu điểm, bà Xuân cho rằng vấn đề cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối mạng và hệ thống networking khi tham gia thị trường ở tầm cỡ quốc tế là hết sức quan trọng bởi nếu doanh nghiệp làm sai, người chịu ảnh hưởng là cả cộng đồng, không riêng gì doanh nghiệp.

Trong mỗi doanh nghiệp, giải pháp trước hết được lãnh đạo Lefaso đưa ra là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực của nguồn nhân lực.

Theo đó, nguồn nhân lực hiện nay tại nhiều doanh nghiệp đang bị hạn chế nhiều trong qúa trình sản xuất, đang chỉ tập trung trong phạm vi nội địa mà chưa hướng đến quốc tế. Ngoài ra, khả năng tài chính và quản trị tài chính cũng là yếu tố cần được cải thiện để nâng cao quy mô khi tham gia thị trường.

Khi việc cố gắng ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn luôn được nhắc đến như một mục tiêu lớn của các doanh nghiệp Việt trong thời gian gần đây, với một quy trình từ sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, sản xuất, logistics đến phân phối, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế để làm được điều này.

Một điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt là có nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp, song đây cũng là một yếu điểm khiến sản phẩm mang giá trị gia tăng thấp.

Để gia tăng giá trị cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, bà Xuân nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư phát triển thêm khâu sản xuất nguyên phụ liệu, nâng mức sản xuất trong nước lên tỷ trọng 55% và giảm dần tỷ lệ nhập khẩu.

Điều này cũng đóng góp không nhỏ cho Việt Nam khi tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, vì quy tắc xuất xứ là một trong những yêu cầu khắt khe của các hiệp định thương mại này.

Ngoài ra, nếu trước đây, đa phần mẫu mã đều do các doanh nghiệp đặt hàng thì nay một số doanh nghiệp Việt đã có thể chủ động trong khâu thực hiện thiết kế mẫu mã, tuy nhiên, số lượng vẫn còn ít.

“Chúng ta hay nói nhiều về Cách mạng 4.0 với các loại nghiên cứu phát triển, các loại sản phẩm mới được tạo ra. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển là một trong những điều cốt lõi để doanh nghiệp gắn sâu vào chuỗi cung ứng.

Đây không chỉ là bài toán dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cho cả các công ty FDI cũng như các nước đang sản xuất da giày như Trung Quốc, Indonesia khi cạnh tranh đang trở nên khốc liệt trong việc giành giật khách hàng quốc tế”, bà Xuân nhìn nhận.

Ngoài việc tăng cường chủ động trong gia công (mẫu mã, vật tư), bà Xuân cho rằng các doanh nghiệp cùng khách hàng tham gia nghiên cứu và phát triển, tạo các vật liệu mới giúp chúng ăn sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, để khách hàng tiếp tục cùng đồng hành với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Lefaso nhìn nhận, không chỉ các doanh nghiệp mà các cơ quan Nhà nước cũng cần đầu tư để Việt Nam có thể hưởng miếng bánh CPTPP.

Một trong những vấn đề nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp nhưng lại trong tầm tay của các cơ quan Nhà nước là đầu tư hạ tầng, logistics vì đối với xuất khẩu, logistics đóng một vai trò quan trọng.

“Nếu cơ sở hạ tầng không tốt mà miếng bánh mở rộng thì không thể thực hiện được. Năng lực của các cảng biển và cảng hàng không hiện nay gần như đã đầy, nếu tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục xuất khẩu thì liệu có đáp ứng nổi không?”, bà Xuân khuyến cáo.

Nguồn: TheLeader