Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 tăng khá, song sẽ gặp không ít khó khăn trong những tháng cuối năm. Nhập siêu tuy vẫn dưới ngưỡng Quốc hội đặt ra, nhưng vẫn khá mong manh nếu không có giải pháp cụ thể kiềm chế. Đó là những nhận định được đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng 8/2010 của Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/9.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2010 và 8 tháng đầu năm, hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đều đạt kết quả khá, nhiều lĩnh vực vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44,5 tỷ USD, tăng gần 20%; nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng thì kim ngạch xuất khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nhóm hàng xuất khẩu thì kim ngạch của nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,4 tỷ USD, tăng 14,7%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 5,19 tỷ USD, giảm 8,5% (do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh 20,5%); nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 23,99 tỷ USD, tăng 23,3%.

Một điểm đáng lưu ý là 8 tháng đầu năm nay, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng, như giá hạt điều tăng 18,9%, hạt tiêu tăng 39,9%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 71,7%, dầu thô tăng 42,2%... đã tác động lớn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, dù lượng xuất khẩu giảm, nhưng về giá trị, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng đều tăng (trừ cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn, dầu thô). Điển hình như kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng 11,8%; gạo tăng 11,4%; nhân điều tăng 25,2%; cao su tăng 89,4%.

8 tháng đầu năm, xuất khẩu vào hầu hết các thị trường chính so với cùng kỳ năm 2009 tăng đáng kể. Trong đó, thị trường châu Á tăng 30,8%; châu Âu tăng 2,7%; Mỹ tăng 25,5%; Trung Quốc tăng 43,4%.

Trong tháng 9 và những tháng còn lại của năm, khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra cho xuất khẩu năm 2010 được nhận định là khả thi, song không ít ý kiến trong cuộc họp bày tỏ lo ngại về khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân chính được chỉ ra là, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đến ngưỡng sản lượng (khó có thể tăng thêm). Trong khi đó, các mặt hàng công nghiệp, công nghệ, dù có thể tăng về lượng, nhưng giá trị gia tăng hiện rất thấp và khó có thể nâng cao giá trị này trong thời gian ngắn. Khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm.

Nhập siêu dễ phá rào

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 7. Phân theo nhóm hàng thì nhóm cần thiết nhập khẩu ước đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,8%; nhóm hàng cần phải kiểm soát ước đạt 0,37 tỷ USD, tăng 6,7%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 0,43 tỷ USD, giảm 9,5% và nhóm hàng khác ước đạt 0,58 tỷ USD, tăng 54,3%. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với con số ước đạt 52,68 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu của việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, theo Bộ Công Thương, là do giá cả của hầu hết mặt hàng từ đầu năm đến nay đều tăng. Cụ thể, giá xăng dầu tăng 35,3%, khí đốt hoá lỏng tăng 38,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 32,4%, cao su tăng 57,6%, sợi các loại tăng 27,7%, sắt thép các loại tăng 31,6%, kim loại thường tăng 32,4%... Một số mặt hàng nhập khẩu liên tục tăng cả về giá trị và lượng nhập khẩu cũng được xem là nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm tăng.

8 tháng đầu năm, nhập siêu ước khoảng 8,15 tỷ USD, bằng 18,32% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 20% cho năm nay), song với những diễn biến theo quy luật hàng năm (nhập khẩu những tháng cuối năm thường tăng) thì mối lo về nhập siêu vượt con số 20% là hiện hữu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ rõ, mặc dù đây là tháng thứ 4 liên tiếp, kim ngạch nhập siêu dưới 20%, song một mặt do xuất khẩu tháng 8 giảm nhẹ so với tháng 7; mặt khác, hiện nay nguồn cung hàng hóa thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản đã cân đối vừa đủ cho các hợp đồng lớn, nên để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu trong tháng 9 và những tháng còn lại của năm 2010, toàn ngành cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn.

Một giải pháp khác được đề cập là chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước cần quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư nhằm hạn chế nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Nguồn: InfoTV