Vốn đề ra mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản của Việt Nam - đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu tôm - hiện đang có nguy cơ thiếu nguyên liệu cho khâu chế biến.

Theo phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, cho đến hết tháng 7/2010, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt sản lượng khoảng 720 ngàn tấn và đạt  tổng giá trị khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm khoảng 120 ngàn tấn, giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra cũng khá khả quan, đạt 360 ngàn tấn và có giá trị khoảng 780 triệu USD.

Những con số này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu đề ra là khả thi. Trong đó, sản phẩm tôm dự kiến xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD có khả năng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vào cuối năm nay. Tương tự, xuất khẩu sản phẩm cá tra có thể đạt được khoảng 1,5 tỷ USD. Như vậy, có nhiều khả năng đạt được con số xuất khẩu thủy sản dự kiến là 4,5 tỷ USD.

Những con số này nói chung là khá bất ngờ trong bối cảnh chung của thị trường hiện nay và có lẽ do một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, giá xuất khẩu trên thị trường  có một số biến động theo chiều hướng tăng do thiếu hụt nguồn cung cấp tôm nguyên liệu, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, khiến cho giá tôm tăng lên. Thứ hai, một số thị trường nhập khẩu tôm truyền thống cũng đã có sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính và  bắt đầu trở lại mua bán bình thường.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, đợt thu hoạch tôm nuôi sau Tết Nguyên đán sẽ khiến cho nguồn cung tôm nguyên liệu dồi dào hơn so với trước đây. Tuy nhiên, sau đợt thu hoạch này, có thể nguồn cung tôm nguyên liệu có thể bắt đầu thiếu hụt do nhu cầu vẫn đang tăng cao, trong khi đó nguồn cung giảm sút do tác động của giá thành. Sản phẩm cá cũng ở vào tình trạng tương tự.

Do tác động của khâu cung cấp thức ăn phục vụ cho nuôi thủy sản biến động quá lớn về tỉ giá cũng như một số yếu tố như mất mùa ở một số quốc gia cung cấp nông sản chủ yếu, nên giá thành tăng lên khiến cho rất nhiều hộ không tiến hành thả nuôi trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2010. Đến kỳ thu hoạch, sản lượng không được dồi dào như mọi năm.

Chính vì thế, từ này đến cuối năm, có lẽ các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn phải tiếp tục vừa chế biến, vừa phải quan tâm đến việc đầu tư thêm nguyên liệu cho niên vụ 2011 bằng cách phải cùng với người nuôi chủ động nguyên liệu, gia công hay một số hình thức khác để có thể tạo được sự cân bằng hơn về vấn đề cung cầu trong năm 2011 để tiếp tục phát triển xuất khẩu. Nhiều khi, diễn biến bất thường chính là cái khó cho nhà chế biến và xuất khẩu. Đôi khi, ký hợp đồng xong chưa kịp giao hàng, thì giá đã lên rồi. Giá lên khiến cho nhà xuất khẩu “vừa mừng, vừa lo”, trong đó có cái lo về việc phải hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó.

Hiện nay, giá thành thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố cung cấp ở thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong khi đó, biến động trong năm 2010 lại không theo một quy luật nào cả, khó có thể xác định được có ổn định hay không. Điều này khiến cho người nuôi không thể chủ động tính toán được giá thành và gặp một số khó khăn khi quyết định có nuôi tiếp hay không dẫn đến ảnh hưởng sản lượng thủy sản nguyên liệu cung cấp cho thị trường và vấn đề giá cả. Hiện nay, thức ăn chăn nuôi chiếm ít nhất 65-70% giá thành nuôi thủy sản.

Về thế mạnh của lĩnh vực xuất khẩu tôm, ông Tổng Thư ký Trương Đình Hòe nói tôm Việt Nam chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, có kích cỡ lớn và được thị trường ưa chuộng - đặc biệt là các hệ thống nhà hàng. Ngoài ra, Việt Nam cũng phát triển xuất khẩu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ. Qua hai năm 2009 -2010, khuynh hướng này đang tiếp tục gia tăng. Vì giá thành rẻ hơn và việc nuôi cũng đỡ rủi ro hơn nuôi tôm sú công nghiệp, nên một số địa phương chọn làm mô hình phát triển. Ngoài ra, một số công ty ở Cà Mau có vùng nuôi tôm sinh thái rộng tới hàng ngàn héc ta và thu hoạch hàng năm đến vài ngàn tấn để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Nguồn: InfoTV