Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 10,781 tỉ USD. Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài hơn 10 năm nay và mang tính hệ thống, ảnh hưởng không tốt đến cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế.

Nhập siêu khó cưỡng

Những năm gần đây kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng khá mạnh. Tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhập khẩu nhưng nước ta vẫn luôn trong tình trạng thâm hụt thương mại lớn. Mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng dần trong 10 năm qua. Năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ chiếm 17,7% tổng nhập siêu thì đến nay đã chiếm tới 90%. Đơn cử như 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 3, 429 tỉ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lên tới 10,781 tỉ USD, thâm hụt thương mại vào khoảng 7,35 tỉ USD.

Hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện, xăng dầu, sắt thép, phân bón,...

Theo phân tích của TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện chúng ta đang nhập khẩu từ Trung Quốc 4 loại hàng chính. Thứ nhất là thiết bị máy móc. Thứ hai là nhóm đầu tư vào trung gian để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, cũng là để xuất khẩu. Thứ ba là nhập hàng trung gian về lắp ráp thành sản phẩm để bán trong nước. Thứ tư là sản phẩm quần áo, đồ chơi liên quan đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

“Giá rẻ là yếu tố hàng đầu để DN Việt Nam quyết định chọn máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu của Trung Quốc, cho dù chất lượng không bằng thiết bị cùng loại nhập ở thị trường khác và cũng không phải là công nghệ đời mới nhất”, ông Nguyễn Minh Tân, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị công nghiệp cho biết. Một vài DN cho rằng, chọn thiết bị Trung Quốc là cách lựa chọn hợp lý để đầu tư cho tương lai trong khi túi tiền đang eo hẹp, không phải bỏ vốn đầu tư nhiều, thời gian thu hồi vốn nhanh nên lợi nhuận cao.

Trong những năm qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu hàng loạt dự án lớn như khai thác, luyện đồng Sin Quyền (Lào Cai), Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng... Hiện Trung Quốc là nước có số lượng nhà thầu và số dự án trúng thầu nhiều nhất Việt Nam. Khi vào thực hiện công trình tại Việt Nam, các nhà thầu Trung Quốc mang theo hầu như tất cả những gì họ có như máy móc, công nghệ đến nguyên, vật liệu. Có nhà thầu còn đưa theo cả công nhân làm tăng thêm độ chêch lệch cán cân thương mại hai nước.

Di hại cho công nghiệp

Sự chênh lệch cán cân thương mại lớn từ một thị trường, lại trong thời gian dài như thế không thể không đặt ra những mối lo. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, xu hướng này rất bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, khi đồng nhân dân tệ lên giá, Trung Quốc có xu hướng tăng đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là điểm đến thuận lợi. “Bởi vậy, Việt Nam cần phải tỉnh táo trước làn sóng đầu tư công nghệ thấp và trung bình từ nước láng giềng”, TS.Thiên lưu ý.

Nếu vẫn nhập khẩu các loại máy móc thiết bị và phụ tùng từ Trung Quốc như hiện nay sẽ khiến Việt Nam tiếp tục kéo dài tình trạng công nghiệp lạc hậu, trình độ công nghệ thấp và tiêu hao nhiên liệu lớn. Như vậy, sản phẩm và nền sản xuất của Việt Nam vẫn kém sức cạnh tranh. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao, vẫn tiếp tục nhập siêu, cán cân thương mại thâm hụt kéo dài.

Theo TS. Võ Trí Thành, nhập siêu từ Trung Quốc có lý do của nó và việc này không hoàn toàn mang tính tiêu cực, thậm chí nó còn là điểm tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây sẽ trở thành vấn đề khá nghiêm trọng nếu nhìn về phát triển dài hạn ở Việt Nam khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Nhập siêu nói chung và nhập siêu từ Trung Quốc nói riêng chỉ giải quyết được khi sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu và tăng được xuất khẩu sang các nước khác. Điều này lại phụ thuộc vào cơ cấu nền kinh tế, chính sách đầu tư, mô hình phát triển và quan trọng là phải làm thế nào để tạo ra một khả năng cạnh tranh tốt.

Nguồn: InfoTV