Thời gian: 8h00-11h30 ngày Thứ Sáu 25 tháng 6 năm 2010

Địa điểm: Khách sạn Tân Mỹ Đình 2, Số 32A - 34 Bùi Thị Xuân, Quận 1- TP Hồ Chí Minh

Sáng ngày 25/06/2010 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hãng luật Miller & Chevalliers Chartered đã tổ chức Tọa đàm “Nhập khẩu gỗ vào EU, Hoa Kỳ - Tìm hiểu Quy định – Hướng dẫn Tuân thủ”. Đến dự tọa đàm có hơn 80 đại biểu từ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông và các đơn vị liên quan khác.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III EU-Việt Nam), với tài trợ của Liên minh châu Âu.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh đã nêu tổng quan tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam là EU và Hoa Kỳ. Đồng thời, ông Liêm cũng cảnh báo các doanh nghiệp về các quy định nhập khẩu gỗ mới của hai thị trường này cũng như sự cần thiết phải tuân thủ các quy định đó để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Tiếp đó, Ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường EU, Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến những quy định về xuất xứ và những đòi hỏi phức tạp về thủ tục tuân thủ. Trong khi EU đang ban hành dự thảo Đạo luật FLEGT (Forest Law Enforcement) và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2012 thì Đạo luật Lacy sửa đổi của Hoa Kỳ - một bộ phận của Luật Nông nghiệp (Farm Bill) - đã được thông qua, có hiệu lực từ năm 2008 và đang tiếp tục được chi tiết hóa việc thực thi. 

Diễn giả chính tại Tọa đàm, hai luật sư Jay Eizenstat và John Magus đến từ Hãng luật Miller & Chevalier Hoa Kỳ, đã lần lượt trình bày những nội dung cơ bản của Đạo luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ. Theo đó, Đạo Luật Lacey được xây dựng nhằm ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, cá và một số thực vật bất hợp pháp, bao gồm cả các loại cây và gỗ. Luật Lacey sửa đổi năm 2008 đã mở rộng phạm vi áp dụng, bao hàm một mảng lớn các loại cây – gỗ và sản phẩm từ gỗ như giấy, sàn gỗ, đồ gỗ, dụng cụ có chứa gỗ....

Các diễn giả cũng đưa ra các ví dụ cụ thể và hướng dẫn chi tiết việc kê khai hàng hóa theo yêu cầu của Đạo luật Lacey sửa đổi. Theo đó, sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải được kê khai đầy đủ: tên chính xác của thực vật, giá trị nhập khẩu, lượng cây – gỗ có trong sản phẩm, tên của quốc gia nơi cây – gỗ được khai thác. Mặc dù nhà nhập khẩu là người chịu trách nhiệm cuối cùng với việc kê khai nhưng nhà xuất khẩu phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. 

Cũng theo các luật sư, có hai yếu tố tạo thành một vi phạm Đạo luật Lacey đó là: i) cây – gỗ bị phát hiện có nguồn gốc bất hợp pháp, ii)buôn bán cây – gỗ  bất hợp pháp giữa các bang của Hoa Kỳ hoặc từ nước ngoài vào Hoa Kỳ. Chế tài đối với các hành vi vi phạm là tịch thu hàng hóa, phạt tiền và thậm chí là phạt tù lên tới 5 năm. 

Do những quy định khắt khe đó, các luật sư đưa ra hướng dẫn tuân thủ đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam: i) tìm hiểu đầy đủ các thông tin về tên, loài, chi, nguồn gốc xuất xứ của gỗ (nếu mua lại từ nhà cung cấp); ii) sử dụng hệ thống sổ sách lưu trữ phù hợp với quản lý và giám sát kiểm kê; iii) cung cấp cho nhà nhập khẩu danh sách tất cả các loài/chi và nước xuất xứ của sản phẩm.

Cuối cùng, các diễn giả kết luận, so với các quy định về nhập khẩu gỗ trong Đạo luật FLEGT của EC, rõ ràng các quy định của Đạo luật Lacey phức tạp và khó tuân thủ hơn nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ Đạo luật này trước khi xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ để xem sản phẩm của mình có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này hay không và nếu thuộc thì phải tuân thủ như thế nào.

Phần cuối Tọa đàm là cuộc trao đổi sôi nổi giữa các diễn giả và đại biểu tham dự, trong đó có rất nhiều câu hỏi thực tế được đặt ra và đều được trả lời thỏa đáng. Sau Tọa đàm, các doanh nghiệp gỗ đã được trang bị những thông tin và kiến thức cơ bản về các quy định nhập khẩu gỗ vào EU và Hoa Kỳ để từ đó có phương án hợp lý xuất khẩu gỗ sang các thị trường này.

Tài liệu tọa đàm được đính kèm dưới đây:

1. Bài trình bày: Tổng quan về Yêu cầu cần tuân thủ đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam

2. Bản tóm tắt FLEGT 1 

3. Bản tóm tắt Legal timber

4. Bản tóm tắt Timber legality assurance system

5. Bản tóm tắt Hệ thống kiểm tra chuỗi cung ứng

6. Bản tóm tắt Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp

7. Hiệp định đối tác tự nguyện

8. Hướng dẫn kiểm tra độc lập