Thời gian: 8h00-11h30 Thứ Ba ngày 11 tháng 5 năm 2010

                                         Địa điểm: Phòng họp tầng 1 - Nhà khách Chính phủ

                                                         Số 8 Chu Văn An – Hà Nội

Sáng ngày 11/05/2010 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Tọa đàm “Việt Nam và Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”. Đến dự tọa đàm có hơn 150 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông và các đơn vị liên quan khác.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III EU-Việt Nam), với tài trợ của Liên minh châu Âu.

Với 74 quốc gia thành viên, trong đó có các đối tác thương mại đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản, ...Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đang điều chỉnh khoảng 2/3 giao dịch thương mại thế giới và là Công ước về thương mại có diện áp dụng rộng rãi nhất. CISG được xem là ví dụ thành công điển hình cho quyết tâm thống nhất hóa pháp luật về hợp đồng trên thế giới và thiện chí đàm phán để tạo ra những quy định công bằng về quyền và nghĩa vụ của bên mua, bên bán  phù hợp với các trường phái pháp luật khác nhau.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa gia nhập CISG dù đã không ít lần các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến nghị việc này. Tọa đàm “Việt Nam và Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” được tổ chức nhằm trao đổi và thảo luận về việc Việt Nam có nên tham gia CISG hay không, những lợi ích và bất cập khi gia nhập CISG...

Theo Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VCCI – Chủ tịch Ủy ban tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, việc Việt Nam chưa phải là thành viên của CISG khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng mua bán quốc tế, bị động khi các bên trong hợp đồng không lựa chọn luật áp dụng nên khi xảy ra tranh chấp không biết sử dụng luật nào để giải quyết, và khi tòa án, trọng tài áp dụng CISG thì lúng túng bị động vì không có kiến thức về CISG.... Do đó việc Việt Nam đăng ký tham gia CISG là rất thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng quan điểm của ông Huỳnh, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng thuộc đại học Ngoại Thương – một chuyên gia nghiên cứu về CISG đã có bài trình bày thuyết phục nêu bật những lợi ích của việc gia nhập CISG đối với Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thương giữa các nước ngày càng phát triển phát sinh ngày càng nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bà Hằng cũng đưa ra một lộ trình cụ thể cho Việt Nam gia nhập CISG.

Đến từ một công ty luật có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp về hợp đồng mua bán quốc tế, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty luật EPLegal đã có một nghiên cứu tổng quát về việc tham gia CISG của các nước trên thế giới, tham khảo kinh nghiệm của các nước Anh, Nam Phi, Nhật Bản và ASEAN từ đó rút ra bài học cho Việt Nam – “không có lý do xác đáng để Việt Nam không tham gia CISG”.

Tham gia CISG, Việt Nam sẽ không phải mất một chi phí nào cho việc gia nhập cũng không phải sửa đổi luật quốc gia với thủ tục gia nhập rất đơn giản. Trong khi đó, nếu Việt Nam không tham gia CISG, Việt Nam sẽ mất cơ hội tiếp cận với một khung pháp luật tiến bộ, thống nhất, đã được hơn 70 nhà nước ở mọi châu lục công nhận, về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; mất cơ hội để thể hiện và khẳng định uy tín, kinh nghiệm và vị thế của Việt Nam trong xây dựng và phát triển luật hợp đồng quốc tế; mất cơ hội nắm bắt sự thay đổi, sự tiến bộ của thế giới (LHQ) về kỹ thuật lập pháp, trong đó có luật hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; mất cơ hội tham gia vào một luật chơi chung về hợp đồng mua bán quốc tế... Đó là đánh giá của GS.TS. Nguyễn Thị Mơ thuộc trường đại học Ngoại thương đứng từ góc độ lý luận của một chuyên gia nghiên cứu.

Từ góc độ thực tiễn, đại diện các hiệp hội, văn phòng luật sư cũng đã phát biểu và dẫn chứng nhiều trường hợp thực tế cho thấy việc Việt Nam không phải là thành viên của CISG gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong đàm phán luật áp dụng và cơ chế giải quyết tranh chấp trong khi kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng như trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng đó. 

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu cùng nhất trí về sự cần thiết của việc Việt Nam gia nhập CISG và đề nghị VCCI, cụ thể là Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế của VCCI, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện bản thuyết minh đề xuất Việt Nam gia nhập Công ước Viên và gửi lên Chính phủ nhanh chóng xem xét vấn đề này.

Tài liệu tọa đàm được đính kèm dưới đây: