Ngày 2/3/2011 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam?”. Một hội thảo tương tự cũng được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh ngày 3/3/2011. Đây là Hội thảo trong khuôn khổ Chiến dịch vận động chính sách của doanh nghiệp Việt Nam đối với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III với tài trợ của Liên minh châu Âu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Hùynh – Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại quốc tế (UBTVCSTMQT) của VCCI cho biết sau một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà sự tham gia của Việt Nam có phần bị động thì hiện nay, chúng ta đang hướng tới các FTA mới với thái độ chủ động hơn, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp tới quá trình đàm phán và ký kết các FTA này. Trong thời gian tới, Việt Nam đang có kế hoạch đàm phán FTA với EU – một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. FTA Việt Nam – EU được kỳ vọng sẽ là một hình mẫu cho việc doanh nghiệp và Chính phủ “cùng nhau đi đàm phán” để kết quả đàm phán phản ánh tốt nhất lợi ích của từng ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên UBTVCSTMQT, quan hệ Việt Nam – EU trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Năm 2010, EU đứng thứ hai trong các nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ năm trong nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tuy hiện tại vẫn là một đối tác nhỏ của EU (đứng thứ 31 trong nhập khẩu vào EU và thứ 41 trong xuất khẩu từ EU) nhưng đầy tiềm năng với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và một thị trường dân số trẻ với sức hấp thụ hàng hóa, dịch vụ lớn, một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, ổn định…

Từ góc độ Chính phủ, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định khung về hợp tác và phát triển năm 1995. Tiếp đó là những kế hoạch, chương trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên. Năm 2010 Việt Nam và EU hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA). Lãnh đạo cấp cao hai bên cũng để thể hiện đồng thuận trong việc xem xét nghiên cứu khả năng đàm phán một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên. Trong bối cảnh này, việc đàm phán và ký kết một FTA giữa Việt Nam và EU được xem là một bước đi nhiều khả năng được hiện thực hóa trong thời gian tới đây.

Với tính chất là một cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu trong hầu hết các lĩnh vực thương mại (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…), FTA VN-EU nếu được đàm phán và ký kết sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và các ngành kinh tế nói riêng?

Giải đáp vấn đề này, Giáo sư Claudio Dordi, chuyên gia Dự án MUTRAP III EU – Việt Nam đã đưa ra nghiên cứu về một số FTA mà EU đã ký kết với các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Kết quả cho thấy các FTA này đều có tác động khả quan đến nền kinh tế các nước. Ví dụ, FTA Mexico-EU có hiệu lực từ năm 2000 đã tác động mạnh mẽ tích cực đến trao đối thương mại giữa hai nước này. Thương mại song phương tăng 207% năm 2008 so với năm 1999, trong đó xuất khẩu tăng 228% và nhập khẩu tăng 196%. Lao động, việc làm và chuyển giao công nghệ được cải thiện rõ rệt. Tương tự, trao đổi thương mại giữa Nam Phi và EU cũng tăng mạnh kể từ khi FTA giữa hai nước có hiệu lực năm 2000 với nhập khẩu từ EU vào Nam Phi năm 2008 tăng 160% so với năm 2001 và xuất khẩu tăng 143%.

Đối với Việt Nam, nghiên cứu về tác động tiềm tàng của FTA Việt Nam – EU đến các khía cạnh của nền kinh tế cũng cho kết quả tích cực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng trưởng trung bình 4% hàng năm (6% đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ với mức cắt giảm thuế quan có thể đến 0%). Trong khi đó nhập khẩu cũng có thể tăng 3,1% hàng năm do các cam kết mở cửa thị trường trong nước. Đầu tư trực tiếp từ EU sang Việt Nam có thể tăng nhờ các cam kết mức độ tự do cao hơn và chất lượng đầu tư sẽ được cải thiện hơn. Các tác động khác như giá cả trong nước và mức lương và việc làm cho người lao động cũng có thể được cải thiện đáng kể…Nghiên cứu tác động dự kiến của FTA đối với nhiều ngành kinh tế cũng cho thấy những con số hết sức khả quan.

Mặc dù vậy, đại diện một số hiệp hội vẫn bày tỏ quan ngại về việc đáp ứng các yêu cầu từ phía EU trong FTA này. Cụ thể ngành dệt may lo ngại về vấn đề nguồn gốc xuất xứ của hàng dệt may để nhận được ưu đãi thuế quan từ phía EU bởi hiện tại đa số nguyên liệu của ngành này được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó ngành da giày quan tâm đến vấn đề phòng vệ thương mại khi mà EU hiện vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…

Tuy nhiên, các ngành đều thể hiện quan điểm ủng hộ việc Việt Nam đàm phán và ký kết FTA với EU bởi những lợi ích mà FTA này có thể mang lại cho nền kinh tế.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Ông Jean-Jacques Bouflet – Tham tán Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng một FTA song phương giữa Việt Nam và EU sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên tham gia. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động tích cực hơn nữa trong đàm phán để nhanh chóng đi đến ký kết FTA này, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển bền vững.

Sau hội thảo này, VCCI sẽ tiến hành điều tra, khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về các phương án đàm phán cụ thể và gửi khuyến nghị lên các cơ quan đàm phán của Chính phủ để FTA Việt Nam – EU nếu được ký kết sẽ phản ánh đầy đủ quyền và lợi ích của các ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Tài liệu Hội thảo được đính kèm dưới đây:

1. Các Hiệp định thương mại tự do EU- Đặc điểm chính và kinh nghiệm (Bản Tiếng Anh) (Bản Tiếng Việt)

2. Giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU

3. Bài trình bày của ông Dordi 1

4. Bản trình bày của ông Dordi 2

5. Tóm tắt nghiên cứu Hiệp định thương mại Việt Nam- EU (Bản Tiếng Anh) (Bản Tiếng Việt)