Thời gian: 8h00 – 12h00 ngày 24  tháng 12 năm 2010

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội

Sáng ngày 24/12/2010 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức “Phiên họp 3 - Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế”. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III EU-Việt Nam), với tài trợ của Liên minh châu Âu. 

Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế (Ủy ban) là đơn vị được thành lập nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình đàm phán, thực thi các cam kết thương mại quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo rằng các cam kết quốc tế tính đến và phản ánh hợp lý quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Được thành lập từ cuối năm 2009, Ủy ban đã xây dựng cơ chế và kế hoạch hành động trong đó tập trung vào các hoạt động cụ thể, thiết thực và có chọn lọc. Trong năm 2010, Ủy ban tiếp tục hoàn thiện cơ chế; tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách thương mại quốc tế thông qua website www.trungtamwto.vn/www.wtocenter/vn, xuất bản bản tin “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” và biên soạn “Cẩm nang Vận động Chính sách Thương mại Quốc tế”;  và các hoạt động vận động chính sách thông qua ba chiến dịch: i) vận động xây dựng cơ chế để cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán, thực thi chính sách thương mại quốc tế; ii) vận động Việt Nam tham gia vào Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; iii) vận động Phương án đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trong khuôn khổ kế hoạch hành động của Ủy ban, Phiên họp thứ 3 của Ủy ban tập trung vào các nội dung (i) Đàm phán TPP – Việt Nam chọn phương án nào? (ii) Cơ chế cụ thể nào để doanh nghiệp tham gia thực chất và hiệu quả vào quá trình đàm phán các cam kết thương mại quốc tế? Đa số các đại biểu đều cho rằng để có được phương án đàm phán TPP tốt nhất cần phải tăng cường đối thoại giữa cơ quan đàm phán và cộng đồng doanh nghiệp trong đó việc lấy ý kiến phải chuyên môn hóa đến từng nhóm ngành. Để có thể thực hiện được điều này thì cần thiết phải xây dựng được một cơ chế hiệu quả để doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đàm phán của Chính phủ. 

Theo ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương, từ trước đến nay Chính phủ luôn ủng hộ việc doanh nghiệp tham gia góp ý để bảo vệ quyền lợi của mình và trong các đàm phán thương mại quốc tế đều có lấy ý kiến doanh nghiệp dù có thể qua các kênh không chính thức. Do đó, ông rất ủng hộ việc xây dựng một cơ chế chính thức để cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết thương mại quốc tế. Nhưng ngay cả khi có một cơ chế như thế thì theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp vẫn phải nâng cao trình độ và kiến thức của mình để các ý kiến đóng góp được thiết thực và hiệu quả.

Phiên họp cũng đề ra chương trình hoạt động của Ủy ban cho năm 2011, theo đó tiếp tục một số hoạt động của năm 2010 có mở rộng ra các chủ đề mới, cũng như tiến hành thêm một số hoạt động khác như đào tạo và xuất bản sách tham khảo…

Tải tài liệu của phiên họp tại đây.