Hội thảo

Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương – TPP

Việt Nam được gì? mất gì?

Tại Hà Nội:

Thời gian: 8.00-11.30 Thứ Năm ngày 4 tháng 11 năm 2010

Địa điểm: Phòng Hội thảo Tầng 3, Khách sạn Fortuna, 6B Láng Hạ, Hà Nội

Tại Tp. Hồ Chí Minh:

Thời gian: 8.00-11.30 Thứ Sáu ngày 5 tháng 11 năm 2010

Địa điểm: Phòng Hội thảo Tầng trệt - Khách sạn Continental Saigon, 132-134 Đường Đồng Khởi, Quận 1 – TPHCM

Sáng ngày 04/11/2010 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hãng luật Miller & Chevaliers Chartered đã tổ chức Hội thảo “Đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương”. Đến dự hội thảo có gần 200 đại biểu từ các Bộ ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông và các đơn vị liên quan khác.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III EU-Việt Nam), với tài trợ của Liên minh châu Âu.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế thuộc VCCI cho biết hiện tại Việt Nam đã kí kết 6 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) khu vực và song phương. Các FTA là cơ hội để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn nữa (không như đàm phán và gia nhập WTO là một hình thức hội nhập theo chiều rộng). Tuy nhiên, khó khăn là lựa chọn FTA với ai, ở mức độ nào và thời điểm nào là thích hợp. Hiện tại, Đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là một quan tâm lớn của Việt Nam vì trong 7 đối tác tham gia đàm phán có Hoa Kỳ - một thị trường xuất khẩu rất quan trọng đối với Việt Nam.

Diễn giả chính tại hội thảo, luật sư cao cấp thuộc Hãng luật Miller & Chevalier Hoa Kỳ, ông Jay Eizenstat đã trình bày tổng quan về TPP và mục tiêu của Hoa Kỳ trong đàm phán này. Theo đó, Việt Nam được coi là một trong những mối quan tâm lớn nhất của Hoa Kỳ trong vòng đàm phán này bởi giá trị giao dịch thương mại lớn và ngày càng gia tăng giữa hai nước. Ông Jay cũng chỉ ra những khó khăn thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP bởi những yêu cầu hội nhập sâu và toàn diện của Hiệp định này trong khi năng lực thực thi của Việt Nam còn hạn chế . Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội “tạo bước nhảy vọt” cho Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Cụ thể, các lợi ích có thể thấy ngay đối với các ngành trọng điểm của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…khi được tiếp cận thị trường Hoa Kỳ (và các nước khác) với các mức thuế được miễn/giảm đáng kể.

Một vấn đề được các đại biểu đặt ra và tranh luận sôi nổi là Việt Nam phải làm gì và có chiến lược đàm phán TPP như thế nào để có thể thực sự “gặt hái” được những lợi ích mà TPP cũng như các FTA nói chung đem lại. Trên thực tế từng ngành kinh tế phải cân nhắc lợi ích cũng như thiệt hại mà ngành mình có thể đạt được từ TPP, xét trong lợi ích chung của toàn nền kinh tế để có thể có chính sách vận động phù hợp lên chính phủ. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thì hội nhập kinh tế luôn tiềm ẩn những rủi ro nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm, không phải vì thế mà Việt Nam đứng ngoài các FTA để bỏ lỡ những cơ hội rõ ràng. 

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất quan điểm tham gia TPP rõ ràng là có lợi cho Việt Nam. Nhưng tham gia như thế nào và phải chuẩn bị những gì thì Chính phủ cần tham vấn với các hiệp hội, doanh nghiệp để có đầy đủ thông tin từ đó có chiến lược đàm phán phù hợp tận dụng được tối ưu các cơ hội mà TPP có thể đem lại.

Một hội thảo tương tự cũng được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 5/11/2010.

Tải tài liệu hội thảo tại đây.