Mặc dù tổng sản lượng các mặt hàng rau, quả lên tới 22 triệu tấn/năm, nhưng chưa đến 10% được chế biến khiến giá trị mang lại không như kỳ vọng.

Chia sẻ tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả - cho hay, so với diện tích nhãn, vải của Trung Quốc thì diện tích trồng nhãn, vải của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch cũng như chất lượng giống của các nước khác nhau, do đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đưa sản phẩm vào các thị trường nhập khẩu trên thế giới.

Hiện chất lượng quả vải của nước ta được đánh giá tốt nhất so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... Tuy nhiên, điểm yếu của trái cây Việt Nam nói chung và quả vải nói riêng chính là khâu chế biến. Hiện nay trái nhãn, vải vẫn chủ yếu là bán tươi, thời gian thu hoạch ngắn, làm giảm giá trị. Ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin, sản phẩm nhãn, vải chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm. Sản phẩm tươi sẽ luôn phải chịu yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu. "Điển hình thị trường Trung Quốc ngày càng thắt chặt kiểm dịch, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. Do đó, phải luôn cập nhật cũng như nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đó để sản phẩm có thể vào được các thị trường" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - đánh giá, hiện nay, nông sản Việt Nam xuất khẩu chịu hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Đây là rào cản có thể cản trở, hạn chế xuất khẩu nông sản Việt Nam vì yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước ngày càng tăng cao. "Đầu tư cho chế biến sâu là giải pháp giúp xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đạt con số 10 tỷ USD vào năm 2025" - ông Hồng nhấn mạnh.

Theo số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện tỷ trọng nông sản xuất khẩu chế biến sâu tại Việt Nam mới đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa các nước trong khối ASEAN). Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp, như rau, quả thực phẩm 10%, cà phê 4 - 6%, dừa, chè, cao su, đậu...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, xuất khẩu nông sản nói chung và rau, quả nói riêng của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Hiện, thị trường xuất khẩu trái cây thế giới đang ở con số 270 tỷ USD, Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD, chiếm 1,4 -1,5%, nên dư địa khai thác thị trường còn rất lớn. Trong đó, việc tham gia hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do được xem là nền tảng cho mặt hàng rau, quả Việt Nam tiếp cận thị trường.

Nguồn: Báo Công thương