Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đạt được tiến bộ đáng kể và hiện đang đi vào giai đoạn cuối cùng, dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2019. Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn.

Đặc biệt, việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn các ưu đãi thuế quan. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán của Chính phủ về RCEP tổ chức ngày 23/5.

RCEP giai đoạn “nước rút”

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước ASEAN với các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Nếu được ký kết, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.

Tiến trình đàm phán tiến tới ký kết hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào năm 2013 và đã nhiều lần "lỡ" thời hạn chót được đặt ra. Bà Nguyễn Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện RCEP đã trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ, 13 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng, 2 hội nghị cấp cao. Dự kiến kết thúc đàm phán năm 2019. Nội dung chính là đàm phán mở cửa thị trường và quy tắc xuất xứ.

Cho đến nay, hiệp định đã kết thúc đàm phán ở 6 chương: chương về hợp tác kinh tế, kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, mua sắm của chính phủ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại” – bà Nguyễn Quỳnh Nga thông tin thêm.

Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) – cho rằng, những kỳ vọng về RCEP là rất lớn. Một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông..., nền tảng thương mại điện tử tốt hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ có lợi ích “dự trữ” tốt hơn trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, hay tác động từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Tuy nhiên để đi đến kết thúc đàm phán cuối cùng, theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – Đoàn đàm phán Chính phủ về RCEP, đây là đàm phán hiệp định quy mô lớn, không phải chuyện dễ. Cách tiếp cận ASEAN+6 không phải là hiệp định đặt ra quy tắc chơi mới, tiêu chuẩn cao, mà chủ yếu Hiệp định mang tính phù hợp với trình độ các nước và khu vực, cụ thể là các nước ASEAN. Hiện, chúng tôi đang tiến hành đợt tham vấn cuối từ các doanh nghiệp.

Lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

Nếu hiệp định được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng có thể chỉ là từ 5% - 0%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu thì quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là quan trọng nhất. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là từ Việt Nam.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – chia sẻ, điểm mới trong đàm phán RCEP chính là cộng gộp toàn phần, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, khác biệt thuế.

Vì vậy, các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung theo những hiệp định thương mại mới. Ví dụ như với Hiệp định CPTPP, để xuất khẩu sang Nhật Bản, Việt Nam với Nhật Bản đã có hiệp định song phương, nên nhiều mặt hàng đã có thuế về 0%, doanh nghiệp cần tận dụng những hiệp định, các ưu đãi đó” – bà Trịnh Thị Thu Hiền lưu ý.

Nguồn: Báo Công Thương