Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản 

Tăng cường hợp tác song phương sau 10 năm thực thi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Đơn vị tổ chức:  Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Trường Chính sách công, Đại học Tổng hợp Tokyo 

Thời gian:  8h00 – 12h00 Thứ Năm, ngày 15 tháng 11 năm 2018

Địa điểm:  Khách sạn Pullman, Hà Nội

Nội dung chính: 

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định trong 45 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2014.  

Tại Diễn đàn, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư của Nhật Bản. Để tăng cường liên kết, Việt Nam cần tạo nền tảng vững chắc, vượt bẫy thu nhập trung bình; chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào năng suất, sáng tạo. Việt Nam cũng cần thúc đẩy hội nhập sâu rộng theo phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa”, đồng thời cần có chuyển hướng trong chính sách thu hút FDI, tối ưu hóa chất lượng FDI gắn với tác động kéo, lan tỏa công nghệ, kỹ năng và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, v.v…

Bàn luận về Quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh đầy biến động, GS. Mie Oba, Đại học Khoa học Tokyo cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng trật tự khu vực. Theo đó, hai quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do, hiện thực hóa CPTPP và RCEP, tiến tới mở rộng CPTPP. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Việt Nam cần duy trì chủ nghĩa quốc tế tự do, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, theo đuổi Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP).

Đánh giá quan hệ đầu tư giữa Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2008 đến nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản nổi lên như một nét đặc trưng kể từ năm 2008. Theo đó, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 2 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Cuối năm 2017, Nhật Bản giữ vị trí dẫn đầu, nhưng kể từ đầu năm 2018 Nhật Bản đang đứng vị trí thứ 2. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng: “Hiện nay, vẫn còn dư địa để cải thiện liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả hợp tác, Việt Nam cần chủ động hơn, thay đổi tư duy khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư; duy trì đối thoại liên tục và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư như: cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực của Việt Nam, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế tại Việt Nam…”.

Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: hiện trạng và những vấn đề trong quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2008; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trên phương diện kinh tế chính trị; những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2008; các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Nhật Bản./.

Tài liệu Hội thảo (Bản Tiếng Anh và Tiếng Việt) được đính kèm dưới đây: