Hội nhập kinh tế và Sự phát triển ở Việt Nam

09/06/2010    798

Tóm tắt báo cáo 

Hơn hai thập kỷ hội nhập chính là động cơ chủ yếu cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình hội nhập và thực hiện các sáng kiến hội nhập, bao gồm tự do hóa đa phương thương mại và đầu tư, đàm phán song phương, thực thi các cam kết WTO, đàm phán và thực thi các cam kết hội nhập ASEAN, đàm phán các FTA khác và đàm phán trong khuôn khổ WTO. Mặc dù trong hơn hai thập kỷ qua, hội nhập kinh tế đã mang lại những lợi ích đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn cần hội nhập sâu hơn nếu muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong thập kỷ tới.  

Việt Nam bắt đầu Đổi Mới vào giữa những thập kỷ 80 thông qua tự do hóa và hội nhập đa phương. Sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết vào năm 1991 đã chấm dứt chế độ trao đổi hàng hóa và khuyến khích hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vào giữa những năm 90, Việt Nam bắt đầu quá trình gia nhập WTO, đàm phán hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu và gia nhập ASEAN. Sau khi đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ năm 2001, Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007. Quá trình thực thi các cam kết trong WTO đã được thực hiện trong cả 1 thập kỷ qua và một số cam kết trong đàm phán cũng sẽ được thực hiện trong vài năm tới. Ngoài việc tham gia vào hội nhập khu vực ASEAN, Việt Nam cũng tham gia các FTA ASEAN cộng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Úc và New Zealand. Bên cạnh đó, đàm phán của ASEAN về FTA với Ấn độ cũng đang có những bước tích cực và đàm phán FTA với EU cũng đang được thực hiện. 

Nói chung, tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam chịu ảnh hưởng tích cực của quá trình hội nhập. Thương mại và đầu tư ở Việt Nam đã phát triển từ cơ chế tương đối hạn chế sang cơ chế mở như hiện nay. Những kết quả đạt được về mặt kinh tế là rất ấn tượng: 

• Tỷ trọng xuất khẩu (và nhập khẩu) trong nền kinh tế tăng gấp 10 lần từ 1988 đến 2008;

• Thu nhập đầu người tăng từ $130 vào đầu thập kỷ 90 lên   $800 vào 2008; và

• Tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể từ 58% năm 1993 xuống 13% năm 2008.

Trọng tâm tăng trưởng trong tương lai ở Việt Nam là quản trị sự năng động trong quá trình hội nhập. Quá trình hội nhập vào khu vực ASEAN sẽ chịu tác động như thế nào bởi các Hiệp định ASEAN cộng đang được thực hiện? Việt Nam có nên đàm phán thêm các FTA? Quá trình hội nhập ASEAN và ASEAN cộng chịu ảnh hưởng của đàm phán Doha trong WTO như thế nào? Việt Nam sẽ áp dụng chính sách thương mại và đầu tư như thế nào để hỗ trợ cho phát triển bền vững? 

Hội nhập kinh tế và Phát triển ở Việt Nam 

Trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm hiểu quá trình hội nhập ở Việt Nam và xem xét các rào cản trong thương mại hàng hóa và dịch vụ và trong đầu tư còn tồn tại sau khi thực hiện các cam kết gia nhập WTO. 

Lợi ích tĩnh 

Chúng tôi phân tích chi tiết những lợi tĩnh tiềm năng của việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan của Việt Nam sau khi gia nhập WTO (hay cách khác là những tổn phí do duy trì rào cản thương mại ở Việt Nam). Để tính tổn phí tĩnh của thuế quan, chúng tôi sử dụng mô hình Giải pháp Tích hợp Thương mại Thế giới (WITS) và một loạt cơ sở dữ liệu. Phương pháp tiếp cận của chúng tôi cũng song hành với một nghiên cứu do IMF thực hiện để phân tích tác động tĩnh của hội nhập WTO. Chúng tôi cũng tiến hành phân tích chi tiết thuế HS ở mức 6 chữ số với sự biến thiên về mức thuế suất với các đối tác thương mại trong các FTA ASEAN và ASEAN cộng. Những lợi ích mất đi do duy trì thuế quan sau khi gia nhập WTO cũng được tính bằng tổng doanh thu thuế và phần mất đi của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chúng tôi cũng xem xét các rào cản phi thuế đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong những ngành cụ thể. 

Trong phần phân tích chi tiết thuế quan, chúng tôi cũng xem xét những lợi ích tiềm tàng của mở rộng thương mại (trade creation)   và tổn phí tiềm tàng của chuyển hướng thương mại (trade diversion) trong hội nhập khu vực thông qua các FTA ASEAN và ASEAN cộng. Nói chung các FTA thường mở rộng thương mại, nhưng thách thức đặt ra là phải tối thiểu hóa những tổn thất do chuyển hướng thương mại. Một vấn đề cốt lõi ở đây là những ngành được bảo hộ cao, như ngành công nghiệp ô tô, vốn không được đưa vào trong các FTA ASEAN và ASEAN cộng, nhưng áp lực hiện nay là phải đưa những ngành này vào. Nếu Việt Nam đưa những ngành có mức độ bảo hộ cao này vào một số FTA và không đưa vào những hiệp định khác và nếu Việt Nam vẫn duy trì rào cản MFN cao trong những ngành này thì sẽ có những thua thiệt đáng kể từ việc chuyển hướng thương mại. Hội nhập ASEAN và ASEAN cộng mang lại cả thách thức và cơ hội để hội nhập vào mạng sản xuất khu vực. 

Lợi ích động 

Chúng tôi cũng xem xét những tác động động và tác động đến tăng trưởng của các sáng kiến hội nhập sâu hơn của Việt Nam. Tác động động của các rào cản đối với tạo thuận lợi cho thương mại, đối với thương mại dịch vụ và đầu tư thường khó tính toán hơn cho dù lợi ích kinh tế và phát triển tiềm năng là lớn hơn nhiều. Để phân tích những tác động động và tác động đến tăng trưởng, chúng tôi dùng phương pháp chấm điểm chuẩn và phân tích kinh tế lượng với dữ liệu bảng của các quốc gia. Hội nhập mang lại tác động lớn cho phát triển kỹ năng và nguồn vốn con người và những sáng tạo và đổi mới công nghệ vốn rất khó để đo lường lại có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu tác động của Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tích tụ vốn. 

Kinh nghiệm trong hai thập kỷ gần đây của Việt Nam khẳng định tác động động và tác động đến tăng trưởng của hội nhập kinh tế là rất có ý nghĩa. Tác động động và tác động đến tăng trưởng, góp phần vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, lớn hơn nhiều so với tổn phí tĩnh của thuế quan. Tự do hóa thương mại và đầu tư ngoài khuôn khổ các cam kết của WTO có thể sẽ góp phần đáng kể vào viễn cảnh tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. 

Bối cảnh kinh tế vĩ mô 

Trọng tâm của nghiên cứu này là hội nhập và những thách thức với phát triển trong dài hạn nhưng đồng thời cũng xem xét sự thay đổi của nền kinh tế. Chu kỳ kinh doanh là hiện tượng mang tính chu kỳ trong xu hướng tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới mang tính dài hạn. Đối với Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ mở, bảng cân đối tài sản cẩn trọng ở cấp quốc gia, chính phủ, lĩnh vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp đóng vai trò chính trong quản lý rủi ro. Tự do các dịch vụ tài chính sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế tiềm năng, tuy nhiên cũng cần phải củng cố hoạt động giám sát tài chính và các quy định thận trọng. Một trong những thuận lợi mà FDI mang lại là ít có rủi ro tín dụng cho nước nhận. Việt Nam đã thu hút nhiều FDI trong những năm gần đây. Trên thực tế, làn sóng FDI vào Việt nam những năm 2007 và 2008 sau khi gia nhập WTO đã mang lại động lực kích thích nền kinh tế cho dù kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Tuy nhiên, kinh nghiệm về chu kỳ kinh tế trước đây cho thấy sẽ phải mất vài năm để FDI phục hồi lại mức đỉnh và thu hút FDI sẽ trở nên cạnh tranh hơn. Tiếp tục tự do hóa tài khoản vốn trong trung hạn sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế. 

Phân tích ngành 

Nghiên cứu này phân tích những rào cản đối với thương mại và đầu tư trong một số lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. 

Dệt và may mặc 

Ngành may mặc là câu chuyện thành công chính của Việt Nam, và ngành mang lại doanh thu xuất khẩu lớn thứ hai của cả nước. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của ngành này vẫn còn chủ yếu dựa trên cho phí lao động thấp, và để nâng cao lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị. Nguồn vốn FDI tăng với chất lượng cao hơn sẽ hỗ trợ để ngành may mặc đạt được mục đích và sẽ giải quyết những yếu kém còn tồn động trong một số mảng như marketing, thiết kế, nguồn nguyên vật liệu, vốn và đào tạo. Tuy vậy, vẫn tồn tại những rào cản về mặt hành chính trong những lĩnh vực như thủ tục hải quan, cấp phép và kho bãi, gây cản trở cho thu hút FDI mới. Sự phát triển của ngành này đòi hỏi phải hội nhập hoàn toàn vào mạng sản xuất khu vực. Hội nhập 

ASEAN và ASEAN cộng sẽ khuyến khích cơ cấu lại ngành dệt may, thuế MFN đối với ngành dệt may sẽ giảm dần theo thời gian khi thực hiện cơ cấu lại ngành này. Cải thiện hoạt động hậu cần và thuận lợi hóa thương mại sẽ góp phần đáng kể vào cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành. 

Tổn phí tĩnh tiềm năng của thuế quan sau khi gia nhập WTO của ngành dệt may trong năm 2007 là 1,83 tỷ USD trong tổng doanh thu nhập khẩu là 3,6 tỷ USD. Như đã đề cập, mô hình WITS không tính đến những vấn đề bảo hộ hiệu quả với những rào cản đối với các with the leveraging of the impediments to value-added with input tariffs, which are significant on the different stages of processing in textiles and apparel.   Giảm và gỡ bỏ thuế đầu vào giúp cải thiện những vướng mắc trong hoàn thế và thủ tục hải quan. Thiếu sự hỗ trợ đối với thuận lợi hóa thương mại cũng là một vướng mắc chính của ngành này. 

Chúng tôi ước tính rằng sản lượng của ngành dệt may sẽ tăng 30% (tương đương 3 tỷ USD một năm) nếu loại bỏ hoàn toàn những rào cản về thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và cải thiện đáng kể thuận lợi hóa thương mại, và tăng thêm nguồn vốn FDI. Khả năng cạnh tranh của ngành sẽ tăng thêm nếu thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu được cải thiện nhanh hơn (trong vòng 10 ngày thay vì 22 hay 21 ngày như hiện nay) và cơ chế thông quan minh bạch hơn. Giá trị gia tăng của ngành cũng tăng thêm, ước tính nhiều nhất là 10%, nếu các quy chuẩn trong khu vực được áp dụng trong ngành này. 

Công nghiệp ô tô 

Ngành công nghiệp ô tô hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong tương lai, bởi đây là ngành có kỹ thuật còn yếu, quy mô nhỏ, chịu sự cạnh tranh của các đối thủ lớn trong khu vực, thiếu sự nhất quán trong môi trường chính sách, và phụ thuộc vào mức thuế quan. Đây là ngành có thuế suất cao và hiện vẫn bị loại ra khỏi các FTA trong ASEAN và ASEAN cộng. Từ năm 2008, những loại thuế chính trong ngành công nghiệp ô tô sẽ được đưa vào lộ trình thuế trong ASEAN nhưng vẫn ở mức thuế MFN và sẽ chỉ giảm dần dần. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14, cam kết được đưa ra là xóa bỏ những ngoại lệ này vào năm 2015 hoặc 2018. Ngành ô tô cũng chịu áp lực phải được đưa vào các hiệp định ASEAN cộng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Úc và New 

Zealand. Việt Nam cũng cần xem xét đàm phán các FTA khác và đồng thời giảm thuế MFN ngay hoặc ngay sau khi giảm thuế trong các FTA của ASEAN và ASEAN cộng. Việc giảm thuế trong ASEAN và ASEAN cộng sẽ khuyến khích cơ cấu lại ngành hay bắt buộc các nhà sản xuất với sản lượng nhỏ và chi phí đơn vị lớn ra khỏi ngành.  Trừ khi Việt Nam tiến hành đàm phán các FTA trong tương lai và để giảm mức thuế MFN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển hướng thương mại, giảm doanh thu thuế và cơ cấu lại ngành. Chúng tôi ước tính rằng điều này có thể dẫn đến giảm kim ngạch nhập khẩu đến 49%, tương đương với 1,45 tỷ USD trong năm 2007, chủ yếu do giảm doanh thu thuế lên đến 745 triệu USD. Hơn nữa, lợi ích mất đi này sẽ ngày càng tăng nếu như không cơ cấu 

lại ngành công nghiệp lắp ráp ô tô và không có chiến lược hạn chế chuyển hướng thương mại trong tương lai qua thực hiện các FTA ASEAN và ASEAN cộng. 

Hóa chất 

Ngành hóa chất Việt Nam là một ngành chiến lược trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cả về mặt cung cấp đầu vào cho các ngành khác và cả sản xuất ra hàng loạt sản phẩm gia dụng. Tuy vậy, ngành nà vẫn chưa phát triển tương xứng với một ngành công nghiệp hiện đại, do thiếu vốn, thiếu công nghệ hiện đại và khả năng quản lý, và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa. Kế hoạch mở rộng tiểu ngành hóa dầu có thể là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành trong tương lai. Nhu cầu thị trường sẽ tăng đáng kể trong trung hạn. 

Thuế quan đối với ngành này tương đối thấp, cả với lĩnh vực hóa chất và các sản phẩm nhựa, ít rào cản với FDI, và đang tìm kiếm và khuyến khích các nguồn đầu tư khác. Do đó, tác động trực tiếp của việc tự do hóa (như gỡ bỏ thuế) cho cả hai lĩnh vực này cần được giảm tới mức tối thiểu. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều đầu tư nước ngoài, và việc tiếp tục cải thiện những lĩnh vực chung có ảnh hưởng đến FDI (bao gồm cả những khía cạnh như quyền thành lập, quản lý kinh tế vĩ mô, can thiệp về mặt hành chính, minh bạch và xử lý lợi nhuận để lại,…) sẽ góp phần cải thiện đáng kể bối cảnh chung toàn ngành trong tương lai. 

Về mặt tác động, do mức thuế MFN và CEPT thấp, ít mức thuế trần, và môi trường FDI nhanh chóng được mở rộng, nên có thể giảm thiểu tác động của tự do hóa các rào cản thuế và phi thuế. Chúng tôi đã mô phỏng tác động tiềm năng sử dụng mô hình WITS. Phí tổn của thuế quan sau giai đoạn gia nhập WTO đối với hóa chất cơ bản và phân bón là 16 triệu USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu 400 triệu USD trong năm 2007. Phí tổn đối về mặt thuế quan sau giai đoạn gia nhập WTO với ngành hóa chất đặc biệt và nhựa là 153 triệu USD. Tác động của tự do hóa mạnh hơn đến nền kinh tế nói chung, đối với ngành này, còn tương đối khiêm tốn và lợi ích có được là tăng thêm đầu tư. Có khoảng 21 triệu người Việt Nam sống dựa vào ngành nông nghiệp có thể được lợi từ việc bỏ thuế phân bón. 

Dược phẩm 

Cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là ưu tiên của quốc gia thông qua tăng thêm tuổi thọ. Đồng thời, kiểm soát chi phí y tế vẫn là vấn đề thách thức. Tự do hóa lĩnh vực phân phối dược phẩm nằm ngoài giới hạn cam kết trong WTO (dược phẩm không nằm trong các cam kết của GATS về dịch vụ phân phối) và cải thiện môi trường đầu tư sẽ giúp thu hút FDI và góp phân vào nâng cấp ngành. 

Về mặt tác động kinh tế, do mức thuế MFN và CEPT thấp và ít mức trần thuế, nên tác động cộng dồn của tự do hóa thuế là khiêm tốn. Chúng tôi đã mô phỏng tác động tiềm năng sử dụng mô hình WITS. Tổn phí về mặt thuế quan sau giai đoạn hội nhập WTO là 29 triêu USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu 480 triệu USD trong năm 2007. Vẫn còn những khoản chi phí đánh vào thuế đối với dịch vụ y tế. 

Tác động kinh tế về mặt thúc đẩy đầu tư nước ngoài có nhiều ý nghĩa hơn. Mở cửa thị trường nhiều hơn sẽ củng cố sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các công ty dược nước ngoài. Kết quả sẽ là tăng thêm đầu tư cho các cơ sở y tế tư nhân, và mở rộng cung cấp dịch vụ qua cả mạng lưới chăm sóc sức khỏe công và tư. Dịch vụ trong nước không hiệu quả là một nhân tố ảnh hưởng đến giá thuốc cao, vốn là mối lo ngại của chính phủ và tự do hóa thương mại sẽ giúp giải quyết vấn đề này. 

Hiện nay, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao gấp 3 lần các nước phát triển (12% so với 4% một năm). Tác động lớn nhất mà tự do hóa mang lại là triệt tiêu tác động của suy giảm kinh tế đang diễn ra, và ước tính thị trường sẽ tăng trưởng lên đến 2,4 tỷ USD vào năm 2015 và 3,3 tỷ USD và 2020, tương đương mức tăng trưởng 9% so với hiện nay. Bên cạnh đó, tự do hóa cũng thu hút đầu tư vào các nhà máy ở Việt Nam theo tiêu chuẩn GMP của WHO, nâng dần từng bước, điều này nằm ngoài khả năng tài chính của hầu hết các công ty ở Việt Nam. 

Tái tạo điện năng 

Điện năng là ngành hạ tầng quan trọng và khả năng cung ứng và phân phối điện không tương xứng chính là rào cản đối với đầu tư và phát triển kinh tế. Thách thức lớn nhất là vai trò độc quyền của EVN, thiếu tính minh bạch và hạn chế phạm vi cho đầu tư tư nhân, và thu hút FDI trong ngành này là tương đối khó. Cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư sẽ góp phần đáng kể vào đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng năng lượng của Việt Nam. 

Thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài là con đường phát triển tiềm năng nhất đối với ngành này ở Việt Nam. Sản lượng tiềm năng của ngành vẫn ở mức thấp và công nghệ vẫn lạc hậu, và chỉ có thể phát triển được thông qua hợp lực với các nhà đầu tư nước ngoài. Tài trợ cho các dự án điện là một thách thức, và nằm ngoài khả năng của EVN. Đòn bẩy tài chính và tiềm năng đào tạo, chuyển giao công nghệ là những lĩnh vực mà chỉ có sự tham gia của các MNC lớn mới mang lại lợi ích trong dài hạn. Môi trường FDI chung ở Việt Nam cũng có thể được cải thiện nhanh chóng nếu thúc đẩy xây dựng các nhà máy năng lượng. Quan ngại về khả năng cung ứng - không đáng tin cậy và giá cả leo thang - sẽ tác động tới đánh giá của nhà đầu tư về kinh tế Việt Nam, và được giới đầu tư nước ngoài đề cập tới như một rào cản để mở rộng kinh doanh. 

Nếu rào cản FDI được dỡ bỏ, thì ngành này có thể đạt được mục tiêu tỷ trọng FDI là 30% đến năm 2015. Điều này tương đương với tăng công suất lên trên 13.000 MW, và với chi phí trung bình cho công suất tạo ra là $1.000/kW, thì tiềm năng thu được từ phần đầu tư này lên đến $13 tỷ vào năm 2015. 

Phân phối 

Theo các cam kết của WTO GATS, quyền phân phối toàn bộ sẽ được thực hiện từ tháng 1 năm 2009 với một số sản phẩm ngoại lệ, đáng chú ý nhất là dược phẩm. Việc thực hiện các điều khoản này vẫn còn miễn cưỡng và chậm chạp. Ở địa phương, sự tùy tiện vẫn tồn tại. Bán lẻ là một ngành ‘nhạy cảm’, được ví như người lao động chính trong hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ hoạt động không hiệu quả và sự mơ hồ của Đánh giá nhu cầu kinh tế chính là nhân tố cản trở hoạt động đầu tư. 

Tự do hóa lĩnh vực bán lẻ với trọng tâm tập trung nhiều vào những yêu cầu về minh bạch hóa cho các cửa hàng lớn sẽ mang lại hiệu quả cho ngành và tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng. Kết quả mong muốn là ngành bán lẻ trong nước sẽ cạnh tranh hơn. Đồng thời, cũng phát triển cơ sở các nhà cung ứng của Việt Nam. 

Dựa trên các nghiên cứu so sánh với khu vực Đông Nam Á, chúng tôi ước tính hiệu quả từ tự do hóa ngành này sẽ giảm 15-20% chi phí hàng năm trong lĩnh vực hậu cần và sẽ tăng GDP thêm 2,5-3%. Đối với Việt Nam, với số liệu GDP hiện nay, con số này sẽ tương đương với tăng khoảng 2,1 tỷ đến 2,7 tỷ USD do tự do hóa ngành này 

Điện tử 

Ngành điện tử của Việt Nam chưa hội nhập hoàn toàn vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay mạng sản xuất khu vực. Mặc dù thuế đối với các sản phẩm điện tử thấp nhưng lĩnh vực thay thế hàng tiêu dùng nhập khẩu vẫn được bảo hộ và do đó thuế vẫn cao. Các doanh nghiệp chi phối trước đây đã được cơ cấu lại để nhằm tăng khả năng cạnh tranh nhưng một số hàng tiêu dùng với công nghệ lạc hậu vẫn được duy trì ở mức thuế bảo hộ cao, kể cả trong lộ trình thuế WTO và trong AFTA và các FTA trong ASEAN cộng. 

Đầu tư vào ngành này tương đối năng động từ khi gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007. Các công ty lớn như Intel, Foxcom, Samsung, Canon, Neidec và Meikom đã đầu tư nhiều vào Việt Nam. Ngành điện tử của Việt Nam đã bắt đầu hội nhập nhiều hơn vào mạng sản xuất năng động của khu vực và toàn cầu. Tuy vậy, sự phát triển của ngành này vẫn đi sau nhiều so với các đối tác trong khu vực như Malaysia và Philippines. Việt Nam hiện mới chỉ tham gia ở mức lắp ráp đòi hỏi nhiều nhân công và chỉ có thúc đẩy FDI mới giúp ngành này phát triển đa dạng hơn. Thu hút và cải thiện chất lượng FDI là rất cần thiết với sự phát triển năng động và giúp ngành điện tử ở Việt Nam hội nhập nhanh chóng hơn. 

Do chuỗi cung ứng và mạng sản xuất mang tính cạnh tranh cao và mỗi quá trình trong chuỗi cung ứng mới tạo thêm giá trị gia tăng nên rào cản đối với thương mại và đầu tư, cho dù nhỏ, cũng là trở ngại lớn để tạo thêm giá trị gia tăng. Vẫn có những khó khăn trong hoàn thuế và một số vấn đề về thủ tục hải quan đối với những sản phẩm hướng về xuất khẩu. Thách thức lớn nhất là dịch vụ hậu cần nghèo nàn và chưa tạo thuận lợi cho thương mại. Ngành điện tử sẽ năng động hơn nếu gỡ bỏ các loại thuế đầu vào (sẽ dần được loại ra khỏi CEPT và FTA với Nhật Bản, và đang giảm dần trong các hiệp định với Hàn Quốc và Trung Quốc), cải thiện các dịch vụ hậu cần và môi trường đầu tư. Ngành điện tử có thể mở rộng nhanh chóng và hội nhập đầy đủ hơn vào mạng sản xuất khu vực và toàn cầu. 

Tổn phí về thuế quan sau khi gia nhập WTO là khoảng 200 triệu USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tỷ USD năm 2007. Ước tính rằng chi phí cho các khoản thuế đầu vào chiếm khoảng 4% chi phí sản xuất do những thủ tục hoàn thuế và do đó cải thiện, tạo thuận lợi cho thương mại sẽ mang lại 10% giá trị tăng thêm cho toàn ngành. Ngành điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sự phát triển này có thể tăng nhanh hơn nếu dỡ bỏ thuế đầu vào, cải thiện đáng kể các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. 

Dịch vụ viễn thông 

Ngành viễn thông của Việt Nam vẫn còn tương đối đóng. Cam kết trong GATS cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 49% nhưng điều này vẫn không có tác dụng khi doanh nghiệp nhà nước vẫn chi phối và kiểm soát việc cấp phép. Cam kết trong GATS cho thấy những Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh tồn tại trước đó sẽ được chuyển thành hình thức khác nhưng điều này vẫn chưa xảy ra. 

Ngành viễn thông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và Việt Nam vẫn đang chậm trễ trong việc cấp phép cho dịch vụ 3G so với các nước ASEAN. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép dịch vụ 3G cho bốn doanh nghiệp nhà nước. Việc triển khai dịch vụ mới đòi hỏi đầu tư lớn và cáh duy nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia là thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển dịch vụ viễn thông trong những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu nhiều so với các nước trong khu vực về mặt chi phí và chất lượng dịch vụ viễn thông, nhất là sự phát triển dịch vụ băng thông rộng ở Việt Nam vẫn còn chậm so với các nước trong khu vực. Việt nam cần đầu tư vào đổi mới công nghệ cho ngành này. Tác động của tự do hóa dịch vụ viễn thông ở Việt nam sẽ giúp tăng thêm đầu tư nước ngoài và việc cần thiết là thiết lập một cơ quan điều tiết độc lập. Cải cách khuôn khổ pháp lý tổng thể kết hợp với nâng mức trần sở hữu và quy trình đấu thầu cạnh tranh hơn sẽ mang lại những lợi ích lớn lao sau đây: 

• Tăng mức độ đầu tư vào ngành lên đến 25% trong vòng 5 năm, 

• Chi phí liên lạc sẽ giảm tương ứng khoản 20% so với dự báo cơ sở ban đầu, và 

• Đẩy mạnh đáng kể chất lượng dịch vụ nhất là mở rộng băng thông rộng và WIFI và tiềm năng cải thiện các dịch vụ phổ thông. 

Ngược lại, tác động của giảm chi phí thông tin liên lạc sẽ làm tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, nhất là với hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Cải cách pháp lý và tự do hóa sẽ làm tăng đầu tư, cải thiện công nghệ và giảm chi phí ít nhất 20%. Điều này cũng mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể trong toàn nền kinh tế. 

Dịch vụ xây dựng 

Ngành dịch vụ xây dựng này tương đối mở để thu hút đầu tư nước ngoài và đã cam kết mở hoàn toàn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài theo WTO vào năm 2009, mở chi nhánh vào 2010. Những rào cản chính đối với ngành này bao gồm thiếu minh bạch trong các quy trình mua sắm của chính phủ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước kiểm soát những khu đất trống rộng, các rào cản và giấy phép hành chính, sự không rõ ràng của hình thức PPP và khả năng tham nhũng. Những cải cách trong lĩnh vực này sẽ giảm chi phí xây dựng, mang lại lợi ích cho những chủ nhà và hoạt động kinh doanh tiềm năng, và quan trọng hơn là giảm đáng kể chi phí đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở Việt nam. 

Có nhiều bằng chứng cho thấy thủ tục hành chính còn chậm trễ, môi trường pháp lý không nhất quán và tình trạng tham nhũng. Rất khó để tính toán các chi phí này, nhưng ở nhiều quốc gia, những chi phí này lại rất lớn. Khi so sánh với các nghiên cứu quốc tế về thủ tục hành chính chậm trễ, môi trường pháp lý không nhất quán và quan điểm về tham nhũng ở Việt Nam, chúng tôi ước tính rằng nếu quy trình mua sắm của các dự án hạ tầng minh bạch và cạnh tranh hơn kết hợp với quá trình cấp phép hiệu quả và hợp lý, trách nhiệm giải trình tốt hơn, và kết quả kiểm toán hiệu quả hơn thì sẽ giảm từ 5% đến 15% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Dịch vụ tài chính 

Việt nam vẫn còn chậm trễ trong cấp phép ngân hàng nhưng vẫn tôn trọng các cam kết GATS. Các cam kết về dịch vụ trong ASEAN và ASEAN cộng là tấm gương phản chiếu các cam kết của WTO. Tự do hóa thêm các dịch vụ tài chính sẽ làm tăng thêm sản phẩm, dịch vụ tài chính và sản lượng của các ngành khác trong nền kinh tế. Chính sách tỷ giá và sự giám sát thận trọng với khu vực tài chính sẽ là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Mặc dù những quy định cẩn trọng là cần thiết nhưng khủng hoảng tài chính cũng cho thấy vai trò quan trọng của sự ổn định và tính hiệu quả của các trung gian tài chính trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế. 

Theo nghiên cứu chuẩn của Ngân hàng Thế giới và phân tích sâu của chúng tôi về khu vực tài chính ở nhiều nước, việc dỡ bỏ các hạn chế còn lại về ngân hàng và công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài sẽ góp phần đáng kể vào cải thiện các trung gian tài chính và đổi mới dịch vụ tài chính. Và rõ ràng là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, cần quan tâm đặc biệt tới các quy định thận trọng, và Việt Nam có thể được lợi từ cải thiện các trung gian tài chính, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi ước tính rằng đến 2015, khi các hạn chế còn lại được dỡ bỏ sau khi thực hiện các cam kết WTO thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt nam sẽ tăng khoảng 0,3% một năm. 

Tác động đến toàn bộ nền kinh tế 

Dựa trên phân tích từng ngành và phân tích tác động của toàn bộ nền kinh tế, phí tổn của các rào cản thương mại còn lại giai đoạn sau gia nhập WTO đối với Việt Nam được tóm tắc như sau 

Tổn phí tĩnh của thuế quan 

Sử dụng mô hình WITS, chúng tôi ước tính lợi ích tĩnh ròng của việc dỡ bỏ cơ cấu thuế quan đối với hoạt động thương mại là 1,765 tỷ USD trong năm 2007, tương đương với 2,4% GDP. Doanh thu thuế tiềm năng giảm 3,8 tỷ USD, tương đương khhaongr 5,0% GDP. Doanh thu thuế phải chịu những rủi ro do thực hiện lộ trình thuế theo AFTA và AFTA cộng và cần được thay thế bởi diện chịu thuế rộng hơn, nền kinh tế ít phải gánh vác phí tổn hơn. Sau khi điều chỉnh những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan và thực hiện AFTA và FTA ASEAn cộng, chúng tôi ước tính tổn thất ròng sau khi gia nhập WTO là 1,5% GDP thực năm 2012 hay tương đương 1,8 tỷ USD danh nghĩa 

Theo phân tích của chúng tôi, tổn phí của thuế quan còn lại sau khi thực hiện cam kết WTO là rất lớn do Việt Nam vẫn duy trì nhiều mức thuế trần trong cam kết của WTO. Những mức thuế trần này sẽ dẫn đến những vấn đề về mở rộng thương mại và chuyển hướng thương mại trong các FTA của ASEAN và ASEAN cộng. Mở rộng phạm vi dịch vụ trong FTA, đàm phán FTA mới và giảm thuế MFN đối với thuế suất sau gia nhập WTO sẽ làm tăng đáng kể lợi ích kinh tế ròng thông qua tăng mở rộng thương mại và giảm chuyển hướng thương mại. Giảm thuế MFN hay đàm phán FTA mới là rất quan trọng để ngăn chặn các phí tổn do chuyển hướng thương mại và tối đa hóa mở rộng thương mại gắn với thực thi đầy đủ AFTA và FTA ASEAN cộng. 

Lợi ích động 

Theo ước tính, lợi ích động và tác động đến tăng trưởng của thuận lợi hóa thương mại và tự do hóa dịch vụ và đầu tư sẽ đóng góp thêm 2% cho tốc độ tăng GDP hàng năm của nền kinh tế (tính gộp mỗi năm). Lợi ích động này có được là do hai nhân tố. Thứ nhất, tự do hóa hàng hóa và dịch vụ và đầu tư sẽ làm tăng thêm 1,5% GDP vào tốc độ tăng trưởng. Tăng thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ mang lại những lợi ích từ hội nhập thương mại thông qua cải thiện nguồn vốn con người và tiếp nhận đổi mới công nghệ. Tăng thêm FDI dường như là phương thức hiệu quả nhất để mở rộng thương mại dịch vụ. Tăng FDI cũng có thể góp phần vào tăng tổng đầu tư và cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhân tố thứ hai chính là tác động của tích tụ vốn từ FDI đến kinh tế vĩ mô sẽ góp thêm 0,5% GDP vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. 

Những thách thức chính của hội nhập sâu hơn bao gồm: 

• Hợp lý hóa và tự do hóa thuế quan, cả thuế MFN và thuế trong các FTA;

• Cơ cấu lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với cơ chế cạnh tranh và minh bạch;

• Cải thiện hoạt động hậu cần và tạp thuận lợi cho thương mại;

• Tự do hóa Dịch vụ và Đầu tư

Thách thức và Cơ hội đối với phát triển 

Tác động của tự do hóa nền kinh tế trong vòng hai thập kỷ trở lại đây đã giúp Việt Nam dịch chuyển từ thâm dụng lao động trong nông nghiệp sang thâm dụng lao động trong sản xuất. Nhiều nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trường nhanh chóng khi chuyển từ thâm dụng lao động trong nông nghiệp sang thâm dụng lao động trong sản xuất. Hiện nay Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như tăng năng suất và dịch chuyển lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và tăng thu nhập đầu người. Cần phối kết hợp các FTA trong ASEAN và ASEAN cộng để mang lại lợi ích tối đa do mở rộng thương mại và hạn chế tối thiểu chuyển hướng thương mại. Bên cạnh đó, đơn phương giảm thuế hay đàm phán để giảm thuế MFN trong WTO khi đàm phán các FTA cũng sẽ hạn chế chuyển hướng thương mại và mang lại những lợi ích cho phát triển từ quá trình hội nhập. 

Trong thập kỷ tới, Việt Nam cũng có cơ hội phát triển do “được lợi từ cấu trúc dân số” với lực lượng lao động trẻ đang ngày càng tăng và tỷ lệ phụ thuộc thì giảm dần. Hội nhập chắc chắn mang lại cơ hội tuyển dụng trong các ngành có giá trị gia tăng cao và cạnh tranh cho lực lượng lao động trẻ năng động. Việt nam có thể tăng GDP thêm 1,5% thông qua tăng thêm lợi ích thu được từ tác động tĩnh và tốc độ tăng trưởng hàng năm cũng có thể tăng tới 2% thông qua những tác động động và tác động đến tăng trưởng tiềm năng của hội nhập sâu rộng hơn. Tốc độ tăng trưởng tăng sẽ mang lại những tác động đáng kể cho nền kinh tế. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tăng từ  5%/năm đến 6,5%/năm sẽ làm GDP tăng 15% và GDP đầu người tăng 50% trong vòng 10 năm. Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công do hội nhập mang lại, nhưng cũng vẫn cần tiếp tục những nỗ lực để đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai. Hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu có thể góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam trong thập kỷ tới. Phát triển bền vững cũng được củng cố thêm nếu bổ sung những chính sách nhằm bảo đảm giảm tỷ lệ nghèo đói, cải thiện cơ hội cho phụ nữ và cải thiện thông lệ chính sách. Việc gỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư và các quy định pháp lý minh bạch hơn sẽ góp phần đáng kể vào cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam.

Nguồn: Dự án Mutrap III