VKFTA sẽ tạo sức bật cạnh tranh cho DN Việt

29/05/2015    139

Đây là khẳng định của ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương xung quanh những cơ hội và thách thức mà FTA Việt Nam – Hàn Quốc (KVFTA) mang lại cho DN. 

FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết đầu tháng 5 vừa qua được cho là cơ hội lớn cho DN hai nước. Xin ông cho biết, DN Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng thời cơ này?

Các DN Hàn Quốc rất quan tâm đến việc ký kết hiệp định này, chắc chắn khi hiệp định đi vào hiệu lực, đầu tư của các DN Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh. Trước mắt, những lĩnh vực truyền thống như may mặc sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển hơn nữa. Riêng những lĩnh vực mới như phụ kiện điện thoại, phụ kiện các sản phẩm điện tử sẽ tăng dần.

Còn đối với lĩnh vực nông nghiệp thì hiện nay Hàn Quốc là nước phải nhập khẩu rất nhiều nông lâm thủy sản nước ngoài. Chúng tôi đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên về mặt địa lý và về mặt tình cảm, người Hàn Quốc rất thân thiết với sản phẩm của Việt Nam. Chính vì vậy đang có một số tập đoàn lớn và DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đang đầu tư và đang hợp tác với một số DN của Việt Nam, cũng như hợp tác với một số chính quyền địa phương để cùng hỗ trợ nông dân thu hoạch, đầu tư.

Việc các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam liệu có tạo nên sức ép cho các nhà sản xuất của Việt Nam không, thưa ông?

Theo tôi thì điều này không đáng lo ngại mà còn là động lực để tạo ra sức cạnh tranh đối với các DN trong nước. Bởi Hàn Quốc và Việt Nam có cơ cấu kinh tế khác nhau. Hàn Quốc chủ yếu sản xuất các nguyên vật liệu, linh kiện, đồ bán dẫn, phụ tùng ô tô… nên khi Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam các nhà máy sản xuất, nhà máy lắp ráp các sản phẩm, đặc biệt là điện thoại di dộng, sản phẩm công nghệ cao như việc Samsung đang làm sẽ giúp Việt Nam thêm phát triển. Hơn thế nữa, Hàn Quốc là đối tác cởi mở, rất quý đối tác Việt Nam nên bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, chúng tôi cũng muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Trước đây, Hàn Quốc cũng đã từng có thời gian quá độ, không ai mua sản phẩm của Hàn Quốc. Lúc đó Hàn Quốc phải thuê hoặc mua sản phẩm của Nhật Bản, Mỹ, Đức. Chúng tôi đã phải nhập khẩu và sử dụng một thời gian các sản phẩm từ nước ngoài.

Nhưng sau đó, người dân Hàn Quốc nhanh chóng học tập sửa chữa, thậm chí cả sản xuất nữa. Và giờ đây, các sản phẩm nội địa đã được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng và tin dùng. Vì vậy, tôi cho rằng đây không phải là thách thức mà là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng có điều các DN phải biết cách nắm bắt lấy cơ hội này.

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, hiện nay các DN vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị chặt chẽ, chưa chủ động nghiên cứu và tìm hiểu lộ trình mở cửa của KVTFA. Đối với vấn đề này, các DN cũng cần có sự hỗ trợ hướng dẫn từ phía Chính phủ.

Ở Hàn Quốc, ngay từ khi hai bên đang tiến hành đàm phán, nhiều tập đoàn lớn của chúng tôi đã thành lập riêng một bộ phận để nghiên cứu về nội dung các cam kết. Đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn khiêm tốn thì cả phía Chính phủ và Phòng Thương mại Hàn Quốc đều có những biện pháp tạo điều kiện tối đa để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Hiệp định, từ đó có các bước chuẩn bị cần thiết và nhập cuộc ngay được khi Hiệp định có hiệu lực. Tất nhiên là sự chủ động của doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quyết định.

Được biết, các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ FTA này. Theo ông, các DN Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Hàn Quốc?

Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất nông nghiệp, nhưng lại yếu về công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, các DN Việt Nam nên tìm các mối quan hệ hợp tác với những tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc, vì đây là một thị trường rất khó tính và thủ tục tương đối phức tạp.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các bạn cần phải xây dựng một chợ đầu mối theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đây không phải là chợ truyền thống, mà là một trung tâm giao dịch lớn, hiện đại, đi kèm với công nghệ kỹ thuật, viễn thông. Chợ này vừa là nơi tập hợp sản phẩm tại Việt Nam, vừa là đầu mối cho Seoul, Bắc Kinh, Tokyo… Chợ sẽ bao gồm hệ thống đấu giá, cho phép Việt Nam quyết định giá cả theo thị trường. Đây là yếu tố quan trọng giúp nông dân được hưởng lợi.

Mặt khác, sau khi tập trung hàng hóa tại chợ đầu mối kiểu mới này, các DN sẽ tiến hành phân loại sản phẩm để xuất khẩu. Đặc biệt, các nông sản tại chợ đầu mối sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm nghiêm ngặt các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, phía Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát dự án lập chợ đầu mối kiểu mới tại Hà Nội và đang chờ ý kiến từ phía Việt Nam.

Xin cám ơn ông! 

Nguồn: Báo Công Thương