Nông nghiệp kỳ vọng vào FTA Việt Nam – Hàn Quốc

13/05/2015    135

Với hơn 90% dòng thuế được giảm về 0%, trong đó đa phần là mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hàn Quốc vừa được ký kết sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu lớn trong thời gian tới. Song, trao đổi với TBKSG Online, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo lắng về những quy định cụ thể sau hiệp định khung này.

Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), trước đây, các sản phẩm gỗ mà Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc như ván gỗ, viên gỗ nén hay các sản phẩm gỗ nội thất có bọc da thường phải chịu mức thuế từ 3-5% có loại tới 6% nhưng giờ tất cả đều bằng 0%. Bên cạnh đó, trước đây, các doanh nghiệp chế biến gỗ thường phải chịu mức thuế nhập khẩu máy móc thiết bị chế biến gỗ như máy cưa xẻ, máy sấy, gia công chi tiết của Hàn Quốc với mức thuế rất cao, giờ đã giảm xuống còn 0%. Điều này sẽ tiết giảm được chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 5 về kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc với kim ngạch khoảng hơn 300 triệu đô la Mỹ năm 2014. Việc FTA được ký kết chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

“Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã sang thị trường Việt Nam tìm hiểu về thị trường gỗ và khả năng hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là gỗ viên nén. Hiện nay thị trường Hàn Quốc có sức tiêu thụ gỗ nén rất lớn, tới hàng triệu tấn,” ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng FTA này sẽ có tác động tích cực cho việc xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc. Trong đó, đặc biệt đối với con tôm khi phía Hàn Quốc chấp nhận quy định hạn ngạch thuế quan cho tôm của Việt Nam khoảng 10.000 tấn bắt đầu sau khi Hiệp định có hiệu lực, thuộc hạn ngạch không thuế. Thời gian qua, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tôm, sản phẩm cá khô và sản phẩm hải sản chế biến.

Còn theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu cà phê nguyên liệu của Việt Nam. Song, FTA lần này sẽ mở cửa hơn nữa cho cà phê đã qua chế biến. Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như Nestle đã xây nhà máy cà phê chế biến tại Việt Nam. Hy vọng FTA này sẽ thúc đẩy xuất khẩu cà phê đã qua chế biến sang thị trường Hàn Quốc.

“Vừa qua Vicofa cùng một đoàn doanh nghiệp cà phê Việt Nam sang tham dự hội chợ Coffee Expo tại Seoul Hàn Quốc và gặp rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cà phê Hàn Quốc. Về cơ bản, cơ hội xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc là rất khả quan,” ông Vinh nói.

Vẫn còn nhiều đắn đo

Theo Bộ Công Thương, với việc ký kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào Hàn Quốc nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của nước này. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới...

Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm với nước này như: tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420%).

Về nguyên tắc là như vậy nhưng các doanh nghiệp trong trong ngành nông nghiệp vẫn còn đắn đo về khả năng cạnh tranh của mình. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, FTA này còn có mặt trái của nó là có khả năng Hàn Quốc sẽ đưa cả máy móc, thiết bị của họ vào chế biến tại Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước với giá thấp hơn và chất lượng cao hơn. Ví dụ gỗ ván MDF của Việt Nam bán khoảng 3,8 đến 4 triệu đồng thì phía Hàn Quốc chỉ bán 3,2 triệu đồng nhưng chất lượng tốt hơn. 

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên để tăng sức cạnh tranh thì có thể yếu thế hơn doanh nghiệp Hàn Quốc ngay tại thị trường Việt Nam,” ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, FTA vừa ký kết mới chỉ là hiệp định khung và chưa có những quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, gỗ hợp pháp, chống trợ cấp, bán phá giá… Những quy định chi tiết này hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian tới.

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trong tháng 7 này sẽ cử một đoàn sang Hàn Quốc để tìm hiểu rõ hơn về thị hiếu khách hàng, số lượng thế nào, yêu cầu làm sao, luật pháp thế nào, sau đó mới quyết định nên có những bước đi tiếp theo với thị trường này.

Mặc dù phía Hàn Quốc mở cửa cho sản phẩm mật ong của Việt Nam, một trong những sản phẩm được cho là “nhạy cảm” của Hàn Quốc nhưng ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi ong Việt Nam, cho hay ông vẫn chưa có thông tin cụ thể về thuế xuất và hạn ngạch của thị trường này.

"Trước đây, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã hỏi thông tin Hiệp hội về tình hình sản xuất và xuất khẩu để đàm phán với phía Hàn Quốc nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin phản hồi gì từ phía cơ quan chức năng" - ông Tâm nói

Ông Tâm cho hay, ông không kỳ vọng nhiều từ FTA lần này vì nếu thuế có giảm xuống thấp hơn thì phía Hàn Quốc cũng sẽ đưa ra những rảo càn phi thuế quan đối với mật ong như kiểm dịch động thực vật. Hơn nữa, trước kia khi Việt Nam và Nhật Bản ký FTA và phía Nhật Bản cũng cam kết mở cửa cho sản phẩm mật ong Việt Nam nhưng kết quả xuất khẩu sau đó không nhiều.

Nguồn: TBKTSG