Thương mại Việt Nam - Chile tăng trưởng ấn tượng

19/01/2015    528

Công Thương- Năm 2014 đã khép lại với nhiều khó khăn cho các quốc gia Mỹ La tinh và Caribe. Tăng trưởng GDP trung bình của các nước trong khu vực chỉ đạt 1,1% thấp hơn quá nửa so với năm 2013. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 lại nay. Nguyên nhân của việc kinh tế khu vực tăng trưởng chậm lại là do nhu cầu ngoài khu vực giảm, tiêu thụ của đa phần các nước trong nội khối đi xuống và chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong khu vực chưa đủ giúp phục hồi kinh tế.

FDI vào khu vực được Cepal dự báo giảm 27% so với năm 2013. Dư địa tài chính hạn hẹp không đủ cho phép áp dụng các chính sách và biện pháp khuyến khích tăng trưởng mạnh mẽ như một năm sau khủng hoảng (2010) mà chủ yếu tập trung cho chính sách phản chu kỳ. Giá nguyên, nhiên liệu xuất khẩu chính của khu vực giảm mạnh. Đồng nội tệ của nhiều nước giảm sâu so với đồng USD, xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, đặc biệt là nhập khẩu. Nguồn tài chính dồi dào và giá rẻ từ bên ngoài đổ vào đã không còn do Mỹ đã từng bước thu hồi gói kích thích, kinh tế châu Âu phục hồi mong manh và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Tình hình kinh tế Chile năm qua cũng phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi chậm lại của kinh tế toàn khu vực. GDP trong năm 2014 chỉ tăng 1,7%, so với 4,1% của năm 2013 đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009. Mặc dầu Ngân hàng Trung ương Chile đã bảy lần cắt giảm lãi suất từ 4,5% năm 2013 xuống còn 3% trong năm ngoái. Giá đồng giảm sâu (14%) và đồng peso sụt giá trên 16% so với đồng USD. Tổng trao đổi thương mại của Chile với thế giới trong năm qua chỉ đạt 149 tỉ USD, giảm 4,4% so với năm 2013, trong đó nhập khẩu là 72,35 tỉ USD giảm 8,7% và xuất khẩu đạt 76,65 tỉ USD, giảm 0,05% - theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương và của Tổng vụ đàm phán kinh tế quốc tế Bộ Ngoại giao Chile ngày 07/1/2015.

Nguyên nhân của việc kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng và nhập khẩu giảm sâu là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, đồng nội tệ mất giá, khiến cho giá nhập khẩu tăng cao, đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh. Lòng tin của giới doanh nghiệp sau cải cách thuế bị xói mòn. Trước tình hình như vậy, rõ ràng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Chile cũng chịu chung các tác động đó.

Tuy nhiên với sự nỗ lực chung rất tích cực và năng động của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, kết hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước đã giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng trưởng đầy ấn tượng trong năm 2014.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2014, tổng trao đổi thương mai giữa hai nước đạt 890,47 triệu USD tăng 40,25% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của ta sang Chile đạt 522,28 triệu USD, tăng 235% so với chỉ tiêu định hướng xuất khẩu Bộ Công Thương giao cho thị trường Chile và tăng 240% so với năm 2013. Về giá trị tuyệt đối xuất khẩu của Việt Nam sang Chile năm ngoái đã tăng trên 300 triệu USD so với năm trước đó. Nhập khẩu của Việt Nam từ Chile đạt 368,19 triệu USD, tăng 16,8%. Đây là năm đầu tiên, ta không chỉ cân bằng được cán cân thanh toán với Chile mà còn xuất siêu sang thị trường này trên 154 triệu USD. Điều chưa từng xẩy ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước trước đó. Trong năm qua nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta sang thị trường nước sở tại đã tăng đáng kể về khối lượng cũng như trị giá như xi măng với gần 570 nghìn tấn, giày dép trên 700 nghìn đôi, các sản phẩm dệt may đạt trên 100 triệu USD, xuất khẩu các sản phẩm khác như máy tính, đồ gỗ, vật xây dựng, cá ba sa và cá rô phi, đồ dùng nhà bếp, đồ nhựa và hàng nội thất cũng tăng trưởng rất ấn tượng.

Một trong các nguyên nhân giúp tăng trưởng mạnh xuất khẩu của ta vào thị trường Chile trong năm qua, trước hết đó là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện về kiểu dáng và chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo đúng tiến độ giao hàng với các đối tác nhập khẩu của nước sở tại, nhờ đó hàng của Việt Nam được người tiêu dùng Chile lựa chọn mặc dầu giá bán cao hơn so với giá các sản phẩm cùng loại đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia và cả Trung Quốc. Lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, cũng như độ tin cậy của các nhà nhập khẩu với các đối tác xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong năm qua. Mặt khác, năm 2014 cũng là năm đầu tiên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile đi vào hiệu lực, nhiều nhóm hàng xuất khẩu của ta được miễn thuế và giảm thuế nhập khẩu, giúp hàng hóa của ta cạnh tranh tốt hơn. Sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại và kết nối các doanh nghiệp hai bên.

Chile là một thị trường mở còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ta. Chính phủ hai nước trong các năm qua đã xây dựng được hành lang pháp lý cần thiết cho hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại. Chile cũng là nước đầu tiên của châu Mỹ và là nước xa nhất của thế giới mà ta đã chọn để đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do song phương. Các ưu đãi về thuế quan mà Hiệp định này mang lại chắc chắn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp hai bên tận dụng tối đa để thúc đẩy tăng trưởng buôn bán và hợp tác kinh tế giữa hai nước  trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Công Thương