Báo cáo Nghiên cứu "Kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường tính chủ động của một số ngành kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc"

13/10/2014    233

Hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế nước ta. Thời gian vừa qua, hội nhập đã mang lại những chuyển biến đáng kể trong cơ cấu và hiệu quả sản xuất kinh doanh nền kinh tế. Hội nhập mang tới cho các ngành kinh tế cơ hội để đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác, tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng một nền kinh tế chung tự chủ và thịnh vượng.

Tuy nhiên, cũng trong quá trình này, vì nhiều lý do khác nhau, một số ngành kinh tế đã phát triển với cơ cấu cung cầu và sản xuất thiếu cân bằng, dựa quá lớn vào một hoặc một số tác nhân chủ quan bên ngoài và vì vậy tính chủ động trong sản xuất giảm sút, và hiệu quả kinh doanh trở nên mong manh hơn mỗi khi có biến cố từ các tác nhân này.

Các nguy cơ này đã được nhận biết và cảnh báo từ một vài năm nay. Cũng như vậy, các ngành và nhiều doanh nghiệp cũng đã ý thức được về việc cần thiết điều chỉnh thị trường cung cầu, đa dạng hóa các nguồn đầu vào, đầu ra, đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, những nỗ lực để thực hiện mục tiêu điều chỉnh này còn rất hạn chế, không hệ thống và đặc biệt là thiếu động lực để thực hiện cả từ góc độ các ngành cũng như quản lý Nhà nước.

Với mục tiêu rà soát và đưa ra các kiến nghị về các giải pháp cấp bách cũng như trong lâu dài nhằm tăng tính tự chủ của một số ngành kinh tế trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có sáng kiến tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các hiệp hội doanh nghiệp trong các ngành kinh tế liên quan để thảo luận, xác định bức tranh hiện trạng chung cũng như trao đổi về các đề xuất thích hợp trình Chính phủ.

Sau đây là kết quả của những thảo luận này, sắp xếp lần lượt theo các vấn đề chung và các ngành kinh tế cụ thể.