FTA giúp Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang Chi Lê

09/12/2014    483

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt trên 250 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê đạt 203 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí xuất siêu, chấm dứt một giai đoàn dài nhập siêu từ Chi Lê.

Bảng 1: Diễn biến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chi Lê năm 2007 đến 2013

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Như vậy, Hiệp định FTA Việt Nam – Chi Lê có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã tạo ra bước đột phá cho hàng hoá của Việt Nam thâm nhập không chỉ thị trường Chi Lê mà còn lan toả ra cả khu vực Mỹ Latinh cũng như hàng hoá Chi Lê thâm nhập thị trường Việt Nam và ASEAN.

Nhiều ưu đãi hấp dẫn từ FTA Việt Nam – Chi Lê

Sau gần 3 năm đàm phán, ngày 11 tháng 11 năm 2011 tại Hawai (Mỹ), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Chi Lê Sebastian Piñera, FTA Việt Nam – Chi Lê đã được ký kết.

Theo Hiệp định này, Chi Lê cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê năm 2007) trong thời gian không quá 10 năm.

Trong đó, 83,54% số dòng thuế (chiếm 81,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục này đã bao gồm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Chi Lê như: thủy sản, cà phê, chè đen, dầu thô, rau quả tươi và chế biến, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh và chế biến, một số mã hàng dệt may, giầy dép.

537 dòng thuế (chiếm 6,96% số dòng thuế và 4,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Chi Lê) sẽ được hạ thuế về 0% trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

704 dòng thuế nữa (chiếm 9,12% số dòng thuế và 13,6% kim ngạch) sẽ được hạ về 0% trong vòng 10 năm. Danh mục loại trừ của Chi Lê chỉ có 29 dòng thuế (chiếm 0,38% số dòng thuế và là những mặt hàng Việt Nam chưa xuất khẩu vào Chi Lê).

Việt Nam cũng cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi Lê năm 2007) trong vòng 15 năm. 12,2% số dòng thuế còn lại sẽ không xoá bỏ thuế, được chia vào ba danh mục: (1) Danh mục loại trừ gồm 374 dòng thuế (chiếm 4,08% số dòng thuế) trong đó có các mặt hàng: xăng dầu, đường, lốp cũ, vải vụn, ô tô (xe con, dưới 10 chỗ, thiết kế đặc biệt, trên 10 chỗ), quần áo cũ, rác thải y tế - công nghiệp, tàu thuyền đánh bắt thủy sản dưới 250 T, thuốc lá điếu…; (2) Danh mục giữ nguyên thuế suất cơ sở: 309 dòng thuế (chiếm 3,37% số dòng thuế) gồm các mặt hàng: cánh và đùi gà và phụ phẩm, bã rượu vang, cặn rượu, đồ uống có rượu khác, động cơ bộ phận phụ tùng ô tô – xe máy, tấm thép đen, thép cơ khí chế tạo, xe máy, xe tải…; (3) Danh mục chỉ thực hiện cắt giảm thuế một phần gồm 435 dòng thuế (chiếm 4,75% số dòng thuế).

Bước khởi đầu trên con đường chinh phục thị trường

Trước đây, dù chưa có hiệp định thương mại tự do, hàng hoá của Viêt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào Chi Lê (trung bình là 6%) và hàng hóa của Chi Lê nhập khẩu vào Việt Nam còn phải chịu thuế suất cao, song kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước đã liên tục tăng trưởng, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới trong mấy năm vừa qua, từ mức 157 triệu USD năm 2007 lên 473 triệu USD năm 2011. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê hiện nay chủ yếu là giày dép và quần áo, chiếm khoảng 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang chi Lê (số liệu năm 2011). Danh mục xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê hiện có tới trên 40 mặt hàng. Tuy nhiên, trừ giầy dép và quần áo ra, giá trị kim ngạch của các nhóm hàng khác còn rất nhỏ, chỉ từ vài nghìn đến trên trăm nghìn USD/năm và chỉ chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Chi Lê.

Kim ngạch xuất khẩu của Chi Lê sang Việt Nam năm 2011 đạt 335,7 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Chi Lê và 0,31% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Chi Lê sang Việt Nam gồm: đồng và quặng đồng và các khoảng sản khác (chiếm gần 80%…% tổng kim ngạch xuất khẩu của Chi Lê sang Việt Nam); gỗ thông và bột giấy; bột cá; hoa quả tươi; cá hồi; rượu vang. Các mặt hàng xuất khẩu của Chi Lê vào thị trường Việt Nam tăng trung bình 37%/năm trong vòng 5 năm qua. Riêng rượu vang của Chi Lê đã có thị phần lớn thứ hai tại thị trường Việt Nam (sau rượu vang Pháp).

Trong bối cảnh Chi Lê đã ký 23 hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thương mại với trên 60 đối tác thương mại và khoảng 93% kim ngạch xuất nhập khẩu với thế giới của Chi Lê là với các đối tác mà Chi Lê ký những hiệp định trên trong đó có những nước canh tranh chính với Việt Nam tại Chi Lê như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia… thì việc trên 40 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường Chi Lê là một sự cố gắng lớn, thể hiện khả năng cạnh tranh của các mặt hàng này. Do phải chịu thuế nhập khẩu 6% dẫn đến giá bán lẻ hàng Việt Nam tại Chi Lê đắt hơn và khó tiêu thụ hơn so với hàng cùng loại nhập từ những nước được miễn thuế nhập khẩu. Tương tự như vậy, một số mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Chi Lê cũng chưa thâm nhập được mạnh vào Việt Nam do còn phải chịu mức thuế nhập khẩu cao.

Cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Chi Lê có ít những mặt hàng cạnh tranh nhau, chủ yếu có tính bổ sung cho nhau. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ¬¬- Chi Lê có hiệu lực chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Các mặt hàng như giầy dép, quần áo, đồ gỗ, cà phê của Việt Nam cũng như cá hồi, nho, sê-ri, gỗ thông và bột giấy .. của Chi Lê được dự báo sẽ có cơ hội tăng kim ngạch do được giảm thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn được kỳ vọng là cửa ngõ cho hàng hóa Chi Lê thâm nhập thị trường ASEAN và Chi Lê là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào Mỹ Latinh.

Chi Lê tuy chỉ có 16 triệu dân nhưng mỗi năm nhập khẩu tới 74,2 tỷ USD (số liệu năm 2011) hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa hàng năm bình quân đạt 20% trong suốt 10 năm qua. Những mặt hàng nhập khẩu chính của Chi Lê gồm: hàng bán thành phẩm (39,4 tỷ USD, chiếm 53,13%); nhiên liệu (6,5 tỷ USD, chiếm 8,73%); hàng tiêu dùng (16 tỷ USD, chiếm 21,6%); máy móc thiết bị (11,9 tỷ USD, chiếm 16%). Chi Lê cũng là nước xuất khẩu lớn và thường xuyên xuất siêu. với kim ngạch năm 2011 lên đến 80,6 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Chi Lê gồm: đồng và quặng đồng (42,63 tỷ USD); các khoảng sản khác (5,52 tỷ USD); bột giấy (2,9 tỷ USD); hoa quả tươi (4,1 tỷ USD); thực phẩm chế biến (5 tỷ USD); cá hồi và cá truchas (2,86 tỷ); rượu vang (1,7 tỷ USD); các sản phẩm lâm nghiệp và đồ gỗ (2,2 tỷ USD).

Hiện nay, các nước MERCOSUR – Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Achentina, Braxin, Paraguay và Uruaguay) – đang triển khai dự án đường bộ từ biên giới phia nam Braxin qua thành phố San Pedro của Achentina, lập thành hành lang đường bộ nối liến giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, kết nối mạng giao thông đường bộ thông suốt với Chi Lê. Công trình hạ tầng này sẽ giúp giảm 12.000 km chiều dài vận chuyển hàng hoá từ Braxin đến các nước châu Á và giảm 4.000 km cho vận chuyển hàng xuất khẩu từ các nước trong khu vực Mercosur sang châu Âu.

Tuyến hành lang kinh tế này hoàn thành sẽ phát huy vị trí đắc địa của Khu thương mại tự do Iquique của Chi Lê. Đây là khu thương mại tự do có cảng biển quan trọng, thiết lập được quan hệ kinh tế, thương mại với các quốc gia láng giềng của Chi Lê là: Achentina, Bôlivia và Pêru. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế về Mỹ Latinh và vùng Caribê của Liên Hiệp quốc (ECLAC), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Chi Lê năm 2011 đạt 17,3 tỷ USD, đứng thứ ba về thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực Mỹ Latinh (đứng đầu là Braxin, thứ hai là Mêhicô). Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái.

Cùng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các tập đoàn lớn của Chi Lê cũng đang đẩy mạnh đầu tư ra các nước trong khu vực. Đáng chú ý là các tập đoàn siêu thị lớn của Chi Lê như: Tập đoàn Cencosud, Felabella Tập đoàn Sodimac.. đang triển khai các dự án đầu tư hàng tỉ USD sang các nước Nam Mỹ khác (như: Achentia, Braxin, Côlômbia, Pêru, …). Thực tế, đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam theo chân các tập đoàn này để có mặt ở các nước Nam Mỹ khác (như mặt hàng: quần áo, giầy ép, đồ nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ… ). Vì vậy, hoàn toàn có thể khẳng định, khi hàng hóa của Việt Nam đã khai thông được thị trường Chi Lê thì sẽ có sức lan tỏa ra các nước khác của khu vực Mỹ Latinh.

Các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Chi Lê đang tích cực triển khai các thủ tục pháp lý cần thiết để sớm đưa Hiệp định FTA Việt Nam – Chi Lê có hiệu lực. Ngoài Hiệp định này, Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định TPP, trong đó có hai quốc gia Nam Mỹ là Chi Lê (nước sáng lập P4) và Pêru tham gia. Khi các Hiệp định này có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam và các nước này sẽ có khả năng canh tranh tại thị trường của Bên kia tốt hơn so với trước đây, tao ra nhiều cơ hội kinh doanh mới giữa các doanh nghiệp hai Bên.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu