Ấn Độ - ASEAN ký FTA về dịch vụ và đầu tư

16/09/2014    881

Ngày 9-9, tờ Financial Express đưa tin Ấn Độ đã chính thức ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) về dịch vụ và đầu tư với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau 2 năm thương thảo.

Thỏa thuận này sẽ giúp 2 bên mở ra các cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, giúp mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược càng thêm sâu sắc. Dự kiến, Quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ phê chuẩn văn kiện này và sau đó thỏa thuận sẽ được chính thức thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN diễn ra vào cuối năm nay.

Cân bằng thâm hụt

Thỏa thuận sẽ mở ra các cơ hội dịch chuyển cả về nhân lực lẫn đầu tư, cho phép Ấn Độ tận dụng lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, viễn thông và giao thông. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc cân bằng thâm hụt của Ấn Độ với các nước ASEAN trong trao đổi hàng hóa.

Hiệp định thương mại hàng hóa Ấn Độ - ASEAN được thực hiện từ năm 2010. Các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ đã quyết định dỡ bỏ thuế nhập khẩu với hơn 80% hàng hóa được giao dịch vào năm 2016. Thị trường Ấn Độ - ASEAN rất tiềm năng với 1,8 tỷ dân. Tiến tới, hơn 4.000 dòng sản phẩm sẽ từng bước được cắt giảm thuế quan. Với việc ký kết về FTA dịch vụ và đầu tư, hợp tác Ấn Độ - ASEAN sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, xứng với quan hệ đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN năm 2012 - 2013 đạt 76 tỷ USD. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015.

Theo một nguồn tin quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ, điều khoản quy định về dịch chuyển tự do nguồn nhân lực sẽ rất có lợi cho các chuyên gia của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán. Philippines trước đó đã từng bày tỏ quan ngại về việc mở rộng hợp tác dịch vụ có thể tác động tiêu cực ngành này của Philippines. Trong khi đó, dư luận Ấn Độ cũng từng phản đối FTA Ấn Độ - ASEAN, kêu gọi chính phủ nước này xem xét kỹ bởi trong khi hàng hóa từ các nước ASEAN ào ào đổ sang Ấn Độ thì hàng hóa Ấn Độ xuất sang ASEAN theo chiều hướng ngược lại.

Chính sách hướng Đông

Trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã nhấn mạnh sự kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN. Đây là vấn đề đã được nêu ra trong chính sách khu vực của Thủ tướng Narendra Modi liên quan đến một loạt dự án hạ tầng cơ sở nhằm đẩy nhanh tốc độ Ấn Độ hội nhập với châu Á.

Quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á đang tiến triển tốt đẹp, trong đó quan hệ Ấn Độ - Singapore được đánh giá là chặt chẽ nhất trong khu vực. Ngày 19-8 vừa qua, cả hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng. Còn Myanmar, quốc gia duy nhất trong khối ASEAN có chung đường biên giới trên đất liền với Ấn Độ, đang là một đối tác quan trọng của Chính phủ Thủ tướng Modi bởi Myanmar sẽ là cửa ngõ để New Delhi bước vào Đông Nam Á. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 17-9 tới theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề vướng mắc lâu nay trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ không phải là do thiếu ý tưởng mà là thiếu động lực để theo đuổi các ý tưởng đó. Hướng Đông từng là một mô hình trong quá trình thiết kế lối tiếp cận khung của Ấn Độ với ASEAN ngay từ thời của Thủ tướng Narasimha Rao vào những năm 1990. Tuy nhiên, do quan hệ ASEAN - Ấn Độ xưa nay thiên về nói nhiều, làm ít nên giới quan sát khuyến nghị rằng chiến lược của New Delhi trong những năm tới phải là Đông tiến một cách bài bản hơn.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn