Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Hà Nội

02/12/2013    205

Việt Nam- Australia: Quan hệ bổ sung

Việt Nam và Australia là 2 nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Australia có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, đồ gỗ, thủy sản…). Còn Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Australia như: Lúa mì, sữa, gỗ nguyên liệu… và trong những năm tới có thể là than, khí hóa lỏng. Australia tuy có dân số không đông nhưng GDP bình quân đầu người rất cao (60.000 AUD/người/năm) nên sức mua rất lớn.

Theo Hiệp định AANZFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan 89,8%, Australia xóa bỏ 100% thuế quan vào năm 2020. Theo đó, sẽ tăng cường hợp tác về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế các rào cản phi thương mại, rà soát lại các biện pháp phi thuế kể cả các hạn chế định lượng phù hợp với WTO; công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam; minh bạch hóa chính sách; cho phép cộng gộp nguyên liệu cho hàng hóa ASEAN khi xuất khẩu vào Australia- New Zealand; hợp tác, hỗ trợ ASEAN thực hiện Hiệp định AANZFTA.

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, quan hệ Việt Nam-Australia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm, Australia là một trong 10 đối tác xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Australia chủ yếu là các mặt hàng: Thủy sản, nông sản, dầu thô, giày dép, sản phẩm may mặc... Riêng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Australia năm 2012 là 109 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2013 là 122 triệu USD; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là thiết bị điện, điện tử, hàng dệt may, nông sản.

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu sang Australia được thuận lợi bởi thuế MFN của Australia thấp. 30 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hầu như không phụ thuộc vào FTA. Các mặt hàng của Việt Nam có khả năng xuất khẩu tốt vào thị trường Australia là may mặc và rau quả chế biến.

Chính sách về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia sử dụng đồng thời cơ chế bắt buộc và tự nguyện, khuyến khích hợp tác quốc tế để công nhận tiêu chuẩn tương đương, có mức tiêu chuẩn cao hơn và chi tiết hơn tiêu chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, Australia không yêu cầu phải xác định xuất xứ của những yếu tố trung gian đã được sử dụng trong quá trình sản xuất và không còn nằm lại trong hàng hóa.

Nhằm hỗ trợ các DN tại thành phố Hà Nội cập nhật thông tin, mở rộng thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 14/11/2013 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức tập huấn tìm hiểu các thông tin về thị trường Australia và Chile thông qua các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) và ASEAN - Australia- New Zealand (AANZFTA)và hệ thống số liệu của Global Trade Information Services.

Chile - cửa ngõ thâm nhập Mỹ La Tinh

Với uy tín cao về thanh toán thương mại, Chile là cửa ngõ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước thứ ba trong khu vực Nam Mỹ (Argentina, Paraguay, Peru).

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa hai nước còn thấp do cách trở địa lý và rào cản ngôn ngữ nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng trưởng đều qua các năm, từ 80 triệu USD năm 2008 lên 190 triệu USD năm 2012. Trong 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đã đạt 153 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, Hà Nội xuất sang Chile 13 triệu USD, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, giày dép, cặp túi,...

Việt Nam xuất khẩu vào Chile chủ yếu là: Giày dép, cà phê, quần áo, hàng điện tử, gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, bàn ghế các loại, đồ thể thao, đồ nội thất, máy móc và phụ tùng, nước hoa quả ép, chè, cá đông lạnh, hàng dệt kim, săm lốp, tôm đông lạnh, nước hoa quả đóng hộp, đồ chơi trẻ em.

Theo ông Trần Bá Cường – Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, quy định nhập khẩu của Chile có mức thuế bình quân (MFN) là 6% (riêng sản phẩm điện tử đa số có mức thuế 0%). Chile có quy định rất chi tiết về hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ: Hoa quả nhập khẩu vào Chile phải được phân loại rõ ràng, không tồn tại dư lượng các sản phẩm hóa chất cao; sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ phải được cấp chứng nhận chất lượng và quá trình xử lý. Ngoài ra, Chile cũng yêu cầu về nhãn mác rất cụ thể: Phải ghi xuất xứ trên bao gói, mác, nhãn sản phẩm; ghi ký mã hiệu thể hiện chất lượng, vệ sinh, nguyên liệu hoặc sự pha trộn, trọng lượng tịnh; phải ghi nhãn mác bằng tiếng Tây Ban Nha trước khi đem bán ở thị trường Chile. Đặc biệt, nước này cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Đây là hiệp định đơn giản, chỉ bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, không bao gồm các quy định về thương mại dịch vụ, di chuyển thể nhân, thương mại điện tử, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh. Theo đó, sẽ xóa bỏ thuế quan từ phía Chile. Cụ thể, xóa bỏ thuế 99,62% số dòng thuế không quá 10 năm. Trong đó, 83,54% số dòng thuế và 81,8% kim ngạch sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (thủy sản, cà phê, chè, dầu thô, rau quả, thịt gia súc, một số sản phẩm dệt may và giày dép); 537 dòng thuế, chiếm 6,96% số dòng thuế và 4,6% kim ngạch xuất khẩu sẽ hạ về 0% trong vòng 5 năm; 704 dòng thuế, chiếm 9,12% số dòng thuế và 13,6% kim ngạch xuất khẩu sẽ được hạ về 0% trong vòng 10 năm.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Chile giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với hàng hóa các nước khác xuất khẩu vào Chile. Đây là cơ hội để DN Hà Nội nói riêng và DN Việt Nam nói chung thâm nhập vào thị trường Mỹ Latinh thông qua cửa ngõ Chile, đồng thời mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này.

Cơ hội mới cho DN xuất khẩu

Để có thể tăng cường xuất khẩu sang thị trường Australia và Chile, từ đó thâm nhập vào Mỹ Latinh, các DN xuất khẩu cần lưu ý về lộ trình xóa bỏ thuế quan hàng năm của Australia, Chile theo Hiệp định FTA tương ứng; quy tắc xuất xứ tương ứng trong FTA; các vấn đề về SPS, TBT; thị hiếu tiêu dùng của thị trường; đánh giá lượng hàng, giá cả xuất khẩu sang các thị trường này; các vấn đề về thanh toán. Ngoài ra, DN nhập khẩu hàng từ Chile cũng cần nghiên cứu kỹ các thủ tục hải quan, thuế suất thuế nhập khẩu hàng năm được cắt giảm, xóa bỏ theo lộ trình 2 FTA tương ứng; quy tắc xuất xứ, quy định về nhập khẩu và các quy định khác. Đặc biệt, DN cần cập nhật thông tin thường xuyên về giá cả, xu thế và về hoạt động xuất khẩu của đối thủ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường.

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn