Tóm tắt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP)

31/05/2013    5636

Thông tin cơ bản

ASEAN và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) vào tháng 4/2008 và Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.

Khác với các FTA khác của ASEAN với các đối tác bên ngoài, AJCEP không phải là một tập hợp nhiều Hiệp định mà là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) duy nhất, với nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế.

Nội dung chính

Mặc dù bao gồm nhiều nội dung khác nhau, về cơ bản AJCEP vẫn là FTA truyền thống, với nội dung chính là tự do hóa về thương mại hàng hóa (loại bỏ thuế quan).

Phần nội dung chính của AJCEP là các cam kết loại bỏ thuế quan và quy tắc xuất xứ; cùng các cam kết khác liên quan tới thương mại hàng hóa như nguyên tắc đối xử với hàng hóa, một số biện pháp phi thuế quan, biện pháp tự vệ đặc biệt, thành lập các Ủy ban hỗn hợp để hợp tác về các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)…. AJCEP có dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa về dịch vụ và đầu tư nhưng chưa hoàn thành.

Cam kết về thuế quan

Về thuế quan, Nhật Bản cam kết đến cuối lộ trình vào năm 2026:

  • Xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam
  • Các sản phẩm Nhật Bản không cam kết chủ yếu là nông sản. Mặc dù vậy, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan cho khá nhiều loại nông sản từ Việt Nam (tính đến 2015, đã xóa bỏ thuế đối với 923 dòng sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam; đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế).

Việt Nam cam kết đến cuối lộ trình vào năm 2026:

  • Xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 88.6% số dòng thuế trong Biểu thuế;
  • Gần 100 dòng thuế cắt giảm xuống 5% và
  • Khoảng 10% số dòng thuế còn lại cắt giảm một phần thuế suất hoặc không cam kết (các mặt hàng ô tô nguyên chiếc, phụ tùng linh kiện, đồ điện gia dụng, sắt thép, máy móc thiết bị…)

Cam kết về Quy tắc và Thủ tục xuất xứ

Hàng hóa được coi là có xuất xứ AJCEP nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước Thành viên, hoặc hàng hóa đáp ứng được một trong hai trường hợp sau:

  • Hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ chung:

+ Hàm lượng giá trị khu vực (RVC): tối thiểu 40%, hoặc

+Chuyển đổi mã HS (CTC): chuyển đổi ở cấp 4 số (CTH - nguyên vật liệu không có xuất xứ phải thuộc Nhóm HS khác với Nhóm HS của thành phẩm.

  • Hàng hóa có quy tắc xuất xứ cụ thể: một số hàng hóa không áp dụng tiêu chí xuất xứ chung mà quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho hàng hóa đó được quy định trong Danh muc Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.

Giấy chứng nhận xuất xứ AJCEP là C/O mẫu AJ. Hiện nay tất cả C/O mẫu AJ do Việt Nam và các thành viên AJCEP cấp đều là C/O bản giấy. AJCEP không có điều khoản liên quan đến việc xử lý sai sót trên C/O. Cơ quan cấp C/O Việt Nam có thể linh hoạt cho cấp C/O mới trong trường hợp có sai sót trên cơ sở thu hồi C/O bị lỗi. C/O mẫu AJ có thể cấp trước, trong hoặc sau (không quá 1 năm) thời điểm xuất khẩu của hàng hóa. AJCEP không có điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ.

Thực thi của Việt Nam

  • Thuế nhập khẩu ưu đãi theo AJCEP mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa Nhật Bản và các nước ASEAN hiện quy định tại Nghị định số 160/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AJCEP giai đoạn 2018 - 2022
  • Các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo AJCEP và quy trình chứng nhận xuất xứ được quy định tại Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ đối với AJCEP.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI